Kim ngạch xuất khẩu quay đầu giảm dần

Là một trong những nhóm hàng thế mạnh của ngành nông nghiệp Việt Nam, năm 2013, xuất khẩu rau quả, trong đó chủ yếu là trái cây, chính thức gia nhập “câu lạc bộ tỷ USD”.

Giữ vững tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, năm 2016 nhóm ngành hàng này đem về 2,4 tỷ USD và nhanh chóng đạt 3,15 tỷ USD vào năm 2017. Năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu rau quả vọt lên 3,8 tỷ USD, lọt top 3 nhóm hàng xuất khẩu có giá trị cao nhất của ngành nông nghiệp, chỉ đứng sau xuất khẩu gỗ và thuỷ sản.

Thế mạnh nông nghiệp này cũng được kỳ vọng sẽ nhanh chóng vượt qua mốc 4 tỷ USD vào năm 2020. Song, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 lại quay đầu giảm chỉ còn 3,74 tỷ USD. Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng ra toàn cầu, Trung Quốc siết chặt kiểm soát khiến xuất khẩu rau quả sụt giảm mạnh xuống còn 3,25 tỷ USD năm 2020. 

Năm 2021, dù đã hồi phục nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ dừng ở con số 3,52 tỷ USD.

Năm qua, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp đều phục hồi sau đại dịch và tăng trưởng mạnh. Đặc biệt, thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, cà phê,... còn đua nhau lập kỷ lục. Riêng xuất khẩu rau quả vẫn đà sụt giảm mạnh. Hết năm 2022, xuất khẩu rau quả đạt 3,36 tỷ USD, giảm 5,35% so với năm 2021. So với mức đỉnh năm 2018, xuất khẩu rau quả giảm 11,5%.

Chuyên gia, doanh nghiệp và cả các nhà chức trách đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến xuất khẩu trái cây quay đầu giảm dần trong những năm gần đây. Trong đó, có tư duy sản xuất của người nông dân khi vẫn quen với cuộc đua sản lượng, thích bán sản phẩm mình có hơn là sản phẩm thị trường; thích bán ăn tươi hơn là đưa vào chế biến sâu. Cùng với đó, thương lái, doanh nghiệp thích chọn xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc hơn là làm chính ngạch. 

Thế nên, khách hàng lớn nhất Trung Quốc nâng chuẩn chất lượng, siết rào cản kỹ thuật với các mặt hàng nông sản, hạn chế nhập khẩu tiểu ngạch đã khiến trái cây Việt nhiều lần ùn ứ, bế tắc đầu ra. 

Thực tế, trái cây Việt là mặt hàng lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá", phải nhờ “giải cứu” nhiều nhất trong những năm qua. Thậm chí, có những trái cây cứ đến mùa thu hoạch là được hô hào “giải cứu”.

Xu hướng tiêu dùng trên thế giới đã thay đổi khi không chỉ yêu cầu ăn ngon và ăn sạch, mà còn ưu tiên chọn sản phẩm tiện lợi phù hợp với cuộc sống bận rộn. Bởi vậy, ngành hàng trái cây của Việt Nam không thể cứ mãi "đua sản lượng", phải chuyển qua cuộc chơi mới là gia tăng giá trị. 

Thực tế, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu nhóm quả tươi giảm  10,7%, nhóm rau củ tươi giảm 1,8%, trong khi nhóm sản phẩm chế biến kim ngạch xuất khẩu tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, trái cây chế biến ngày càng được ưa chuộng. Vậy nhưng, chúng ta vẫn quen bán ăn tươi, tỷ lệ trái cây đưa vào chế biến còn quá khiêm tốn nên khó gia tăng thị phần tại các thị trường xuất khẩu. 

Chọn 14 trái cây tham gia cuộc đua gia tăng giá trị

Bà Nguyễn Ngọc Huyền - CEO Mia Group, nhận xét, điểm yếu của chúng ta là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu các tiêu chuẩn quy chuẩn trong canh tác, không có sự liên kết, sản phẩm chỉ bán ăn tươi, tỷ lệ đưa vào chế biến còn nhỏ.

“Khi nông dân liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm thu hoạch được sẽ phân làm nhiều loại. Mẫu mã đẹp sẽ bán trái tươi, mẫu mã xấu đưa vào chế biến sâu. Như vậy sẽ tao ra các sản phẩm giá trị gia tăng, giữ được giá trái cây tươi khi bán ra thị trường”, bà Huyền nói.

Bộ Nông nghiệp định hướng phát triển mỗi loại trái cây thành một ngành hàng (Ảnh: Hoàng Hà)

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần đề cập tới câu chuyện thay vì cuộc đua sản lượng phải chuyển sang cuộc đua gia tăng giá trị. Mỗi loại trái cây phải là một ngành hàng có chiến lược phát triển đáp ứng tiêu chuẩn của từng thị trường. Ở đó, phải xác định không chỉ bán ăn tươi mà còn đưa vào chế biến sâu, làm sản phẩm quà biếu tặng..

Ông cũng nhấn mạnh, phải bỏ tư duy buôn chuyến, chuyển sang con đường chính ngạch, đường đường chính chính xuất khẩu vào các thị trường. 

Những tháng cuối năm 2022, khi sầu riêng, chuối tươi có “visa” vào thị trường Trung Quốc, vùng sản xuất, cơ sở đóng gói trong nước hoạt động bài bản,... ngay lập tức xuất khẩu các loại trái cây này tăng mạnh, giá thu mua cũng tăng vọt, nông dân có lãi.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2022 còn đạt 420,9 triệu USD, tăng 136,8% so với năm 2021. Sầu riêng thu mua tại vườn lập kỷ lục lịch sử về giá khi vọt lên 150.000-190.000 đồng/kg. 

Đầu năm 2022, Bộ NN-PTNT đã triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn. Trong đó, có vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc và vùng cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười.

Cuối tháng 10/2022, Bộ NN-PTNT tiếp tục phê duyệt quyết định phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025 và 2030. Theo đó, có 14 loại cây có kim ngạch xuất khẩu cao được chọn để tập trung phát triển. Mục tiêu, năm 2025 diện tích cây ăn quả cả nước 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 960 ngàn ha, sản lượng 11-12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD.

Đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 triệu USD.

Với mỗi cây ăn quả chủ lực, sẽ xác định rõ quy mô vùng sản xuất tập trung có mã số vùng trồng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu sẽ có thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, minh bạch thông tin với người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, trái cây là ngành hàng đặc thù mang tính mùa vụ, áp lực tiêu thụ cao. Nếu không thay đổi thì điệp khúc được mùa rớt giá vẫn tái diễn. Còn khi đã hình thành vùng sản xuất và phát triển theo hướng ngành hàng, đáp ứng nhu cầu từng thị trường sẽ tạo giá trị gia tăng cao, thậm chí nếu phát triển ở phân khúc cao cấp giống như cách làm của Nhật Bản thì bán trái cây giá đắt như vàng.