Người Thái nắm chắc thị trường, hiểu rõ đối thủ
Tại một diễn đàn thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc mới đây, ông Bob Wang - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc), cho biết, cả Việt Nam và Thái Lan đều là những nước xuất khẩu trái cây lớn ở Đông Nam Á. Song điều ngạc nhiên là kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan lại vượt xa Việt Nam trong những năm gần đây.
Ông chỉ rõ, về sản lượng trái cây 5,43 triệu tấn hàng năm, Thái Lan chắc chắn ở thế yếu so với sản lượng từ 12-13 triệu tấn của Việt Nam. Nhưng về mặt xuất khẩu năm 2022, người Thái dự kiến thu về 8,53 tỷ USD, trong khi của Việt Nam ước đạt 3,2 tỷ USD.
Nói riêng về thị trường Trung Quốc, theo ông Bob Wang, nhiều doanh nghiệp sản xuất trái cây Việt Nam thiếu hiểu biết về xu hướng thị trường, bán hàng một cách thụ động. Khi các chợ đầu mối của Trung Quốc mở cửa vào buổi sáng, thương nhân Thái Lan có thể nắm bắt giá cả nhanh chóng và bán sản phẩm hiệu quả, trong khi thương nhân Việt Nam chậm hơn.
Do đó, Việt Nam cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, đồng thời có thể nắm bắt thông tin mới nhất từ thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, cũng thừa nhận, trong xuất khẩu trái cây, người Thái Lan thích ứng rất nhanh. Họ theo chân doanh nghiệp Việt vào tận các vùng trồng của nước ta để tìm hiểu.
Với sầu riêng, nghị định thư ký xong, Việt Nam xuất lô hàng đầu tiên sang Trung Quốc, Thái Lan còn đưa tin rầm rộ. Họ tìm hiểu và phân tích rõ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, ông cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT từng đề cập, Thái Lan đang nhìn Việt Nam đi như thế nào để phát triển bền vững cây sầu riêng. Vừa nắm chắc thị trường, họ còn muốn hiểu rõ đối thủ để có chiến lược sản xuất phù hợp, có lợi cho người nông dân.
Doanh nghiệp Việt nên “nhập gia tùy tục”
Muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc, ông Bob Wang kiến nghị, các cơ quan chức năng và nông dân trồng trái cây của Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường này. Đồng thời, cần xây dựng mô hình nông nghiệp mới kết nối chặt chẽ giữa người sản xuất và người bán hàng, nắm bắt thông tin thị trường Trung Quốc mới nhất.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam nên thành lập cơ quan xúc tiến thương mại nông sản với Trung Quốc để giúp xây dựng thương hiệu và tiếp thị nông sản Việt tại thị trường 1,46 tỷ dân này.
“Việc lập văn phòng thường trú tại Trung Quốc hay thông qua kênh trực tuyến sẽ cung cấp cho người mua Trung Quốc các kênh mua sắm thuận tiện hơn, ít trung gian hơn”, ông nhấn mạnh.
Bà Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho rằng các doanh nghiệp Việt hiểu quá ít về thị trường Trung Quốc.
Theo bà, trước khi đưa sản phẩm nông sản Việt vào thị trường này, việc cần làm đầu tiên là bảo hộ thương hiệu. Cùng với đó, tìm những nhà nhập khẩu hoặc phân phối có thực lực về kinh tế, có kênh bán hàng tốt, có đội ngũ tâm huyết với việc phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu nên tận dụng nguồn lực kiều bào hoặc hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước bản địa. Đồng thời, thay đổi tư duy, không nên bán những gì mình có mà nên nghiên cứu nhiều hơn thị trường mình cần thâm nhập.
“Doanh nghiệp Việt Nam nên ‘nhập gia tùy tục’. Trung Quốc là quốc gia có yêu cầu rất cao về mẫu mã, số lượng không cần nhiều nhưng hộp quà phải đẹp. Việt Nam cần tập trung chú trọng mẫu mã, đặc biệt để ý đến số lượng nên là 2, 6, 8”, bà nói. Bởi, không hiểu được thị hiếu thì không thể bán được nhiều hàng.