Trong sự kiện “Tương lai của 5G” do Qualcomm tổ chức tại San Diego (Mỹ) hồi tháng trước, khi trao đổi với các phóng viên Việt Nam, bà Trần Mỹ An, Giám đốc kỹ thuật cấp cao Qualcomm, cho rằng người dân Việt Nam sẽ không thay thế các điện thoại 3G, 4G lên 5G “trong một đêm” mà sẽ cần thời gian lâu hơn. Thay vào đó, 5G sẽ được ứng dụng đầu tiên ở mảng doanh nghiệp.
“Cứ mỗi lần tôi về TP.HCM thì thấy một toà nhà mới mọc lên. Tôi cho rằng các toà nhà này sẽ tiên phong triển khai mạng 5G nội bộ để kết nối Internet thay cho hệ thống dây cáp quang hiện tại nhằm tiết kiệm chi phí. Ngoài ra họ cũng sẽ triển khai các công nghệ mới để đón đầu như Wi-Fi 6 chẳng hạn”, bà An nói.
Các toà nhà mới xây sẽ có thể là nơi đầu tiên ứng dụng 5G. Trong ảnh là toà nhà Landmark 81 đang trong quá trình hoàn thành năm 2018. Ảnh: H.Đ |
Ông Sudeepto Roy, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật Qualcomm, cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng 5G tại Việt Nam sẽ được triển khai đầu tiên ở các cơ sở hạ tầng, nhà máy, doanh nghiệp.
“5G là công nghệ kết nối bắt buộc để hỗ trợ phát triển cho các ngành công nghiệp cho tương lai”, ông Sudeepto nói. “Việt Nam đang phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, nhiều toà nhà mới mọc lên, chính phủ đề ra các mục tiêu phát triển thành phố thông minh,... sẽ cần đến kết nối 5G như một công nghệ then chốt”.
Để đầu tư 5G phải tốn chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch tần số. Tuy nhiên ông Sudeepto cho rằng Việt Nam đã có sẵn băng tần cho 5G, do đó đã đi trước một bước so với các nước khác phải quy hoạch băng tần.
Ứng dụng của 5G trong nhà máy, thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo
Cũng tại sự kiện “Tương lai của 5G”, ông Durga Malladi – Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc 4G/5G của Qualcomm cho biết, bên cạnh việc giúp cho trải nghiệm trên điện thoại ngày càng thú vị hơn, thì 5G còn được định hướng vào những lĩnh vực giàu tiềm năng trong tương lai như: trí tuệ nhân tạo, nhà máy thông minh, giao thông thông minh, nâng cao trải nghiệm thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR)…
Durga Malladi – Phó Chủ tịch cấp cao và Giám đốc 4G/5G của Qualcomm, trình bày về ứng dụng của 5G trong giao thông, tại các toà nhà, nhà máy,... Ảnh: H.Đ |
Đối với 5G, các doanh nghiệp, nhà sản xuất, khu công nghiệp hay các địa điểm giao thông đều có thể xây dựng mạng 5G cho riêng mình thông qua việc trưng dụng một phần hạ tầng 5G công cộng và cá nhân hóa cho phù hợp với nhu cầu từng khu vực.
Kết nối tốc độ cao của 5G cũng sẽ chắp cánh cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) bay cao và xa hơn bởi nó sẽ đảm bảo đường truyền dữ liệu dễ dàng, ổn định, đồng thời đảm bảo tính bảo mật và an toàn cho người dùng.
Việc tích hợp 5G sẽ giúp cho các sản phẩm AI như Alexa, Google AI hay Siri dễ tiếp cận với nhiều thiết bị điện tử hơn trong mạng lưới IoT cục bộ. Trước đây, một lượng lớn thông tin thường xuyên được trao đổi từ các thiết bị người dùng lên đám mây và các thuật toán AI được hoạt động trên đám máy. Nhưng trong thế giới của vạn vật kết nối với hàng vạn thiết bị cảm biến, lượng dữ liệu khổng lồ khiến việc truyền tải dữ liệu lên điện toán đám mây không còn phù hợp cũng như có nhiều nghi ngại về độ bảo mật. Thế nên sự xuất hiện của 5G để kết nối thiết bị trong một mạng lưới IoT nhỏ hơn, vừa bảo đảm tốc độ, sự ổn định, tính cậy lẫn bảo mật hứa hẹn tạo ra sự cộng hưởng giúp trí tuệ nhân tạo phát triển lên một nấc thang mới.
Trong nhà máy thông minh, mạng 5G được dùng để kết nối không dây không cần cáp trong khi băng thông được tăng cường. Các loại máy móc và thiết bị có trang bị cảm biến sẽ được điều hành và giao tiếp nhau qua mạng 5G với độ trễ thấp cùng tính ổn định được đề cao. Bộ xử lý ứng dụng Edge Cloud (Điện toán biên - phương pháp tối ưu hóa hệ thống điện toán đám mây) sẽ giúp con người giám sát mọi hoạt động trong nhà máy thông minh.
Đối với ứng dụng giao thông thông minh, chúng ta có thể hình dung trên các trục đường giao thông trong tương lai sẽ có sự xuất hiện lượng cảm biến vô cùng lớn bao gồm camera giám sát, cảm biến trên ô tô, thiết bị liên lạc giữa các phương tiện giao thông.
Nhiệm vụ của các cảm biến này là phát ra dữ liệu truyền đến các đơn vị Edge Cloud (đám máy cục bộ) và AI sẽ phụ trách đưa ra kết quả dự đoán đầy đủ và chính xác để người tham gia giao thông có thể đưa ra quyết định đúng về tình hình giao thông cùng phương pháp xử lý tối ưu.
Ở góc độ quản lý, sự tương tác giữa các đối tượng giao thông sẽ giúp nhà nước xây dựng và hoạch định chính sách về giao thông tốt hơn.
Ngoài ra, 5G giúp công nghệ kết nối/giao tiếp không dây giữa xe hơi diễn ra nhanh hơn và mang tính thực tế cao hơn. Điển hình với quy chuẩn kết nối giao thông Cellular V2X communication được Qualcomm giới thiệu, các phương tiện giao thông sẽ liên tục tiếp nhận thông tin qua cảm biến và giao tiếp cùng nhau đồng hành với AI để góp phần giúp giao thông trong tương lai an toàn hơn, số lượng tai nạn giao thông cũng sẽ được giảm thiểu.
Đối với trải nghiệm VR/AR thì 5G sẽ giúp chế tạo ra những chiếc kính nhỏ gọn và đơn giản bởi các thuật toán AI sẽ không chạy trên thiết bị mà dựa trên sự hỗ trợ 5G để tiếp cận với công nghệ “AI on the Edge”- một trung tâm xử lý dữ liệu và triển khai thuật toán AI ở một nơi rất gần với thiết bị được kết nối qua 5G.