Trường hợp của gia đình ông Q.D.H.N (cư ngụ tại Khóm 1, phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) đã trực tiếp liên hệ với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu để giao nộp lại một con tê tê. Sau đó, cá thể tê tê này được xác định là 01 cá thể tê tê vàng (Manis pentadactyla) nặng 6 kg và được chi cục bàn giao lại cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Cát Tiên chăm sóc. Khi cá thể tê tê đủ sức khỏe sinh tồn trong môi trường tự nhiên sẽ được các cán bộ tại đây tái thả về tự nhiên theo đúng quy định của pháp luật.

Tê tê là động vật quý hiếm thuộc nhóm IB nằm trong danh sách đỏ Việt Nam. Loài động vật này đang bị đe dọa tuyệt chủng và được bảo vệ nghiêm ngặt và cấm khai thác, sử dụng, mua bán dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, vảy tê tê được xem là thuốc chữa bệnh nên người dân phát hiện loài động vật này vẫn nuôi nhốt và mang đi bán cho các đối tượng khác kiếm lời.

Ngoài nuôi nhốt mua bán trái phép, Bạc Liêu cũng là địa phương có tỷ lệ hộ gia đình đăng ký nuôi gây động vật rừng nhằm mục đích thương mại như nhím, cày hương, cá sấu, rắn, ba ba,  chim trĩ, heo rừng… Công việc này đã tạo công ăn việc làm cho người dân cũng như phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc nuôi gây có thể biến tướng hiện tượng mua bán động vật hoang dã.

dong vat hoang da 3.png
Bạc Liêu giám sát chặt chẽ việc nuôi gây động vật rừng. 

Để giám sát chặt chẽ việc nuôi gây động vật rừng tại nhà, Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát, cấp mã số cho các loài động vật nuôi. 

Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cho thấy, hiện nay trên địa bàn có 949 cơ sở, hộ gia đình gây nuôi động rừng nguy cấp, quý hiếm và động vật rừng thông thường. Với tổng khoảng 117.178 cá thể bao gồm nhiều loài cá sấu, cầy vòi hương, cua đinh, ba ba, càng đước, rắn ráo trâu, rắn hổ mang…

Để hạn chế tình trạng mua bán động vật hoang dã trái phép trong các cơ sở gây nuôi, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các Hạt kiểm lâm, phòng, đội tích cực tuyên truyền tới người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, pháp luật liên quan tới đa dạng sinh học, luật Lâm nghiệp. Nhờ đó, các hộ nuôi động vật rừng tại Bạc Liêu chưa ghi nhận ca vi phạm nào. Người dân nộp hồ sơ đăng ký nuôi nhốt và được cấp mã số theo quy định. Việc nuôi gây động vật rừng cũng góp phần đa dạng sinh học, bảo tồn thêm các nguồn gen quý. 
Đối với hệ thực vật rừng phòng hộ ven biển, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bạc Liêu cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tới các hộ dân nhận khoán đất rừng, cộng đồng dân cư sống trong rừng và ven rừng phòng hộ biển Đông, với nhiều hình thức, đa dạng và phong phú như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trực tiếp đến từng hộ gia đình, họp dân từ đó người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không khai thác rừng bừa bãi. Gắn phát triển kinh tế bền vững với bảo vệ rừng, duy trì đa dạng sinh học trên địa bàn. Nhờ đó, Bạc Liêu đã trở thành điểm di cư, cư ngụ của nhiều loài chim hoang dã, trong đó có các loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007 như: Bồ nông chân xám, Giang sen, Điêng điểng, Cò quăm đầu đen, Cốc đế…

Để công tác bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn được sát sao hơn nữa, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch số 134 năm 2023 thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Bạc Liêu đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2030, các địa phương, đơn vị liên quan đảm bảo quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có, trồng thêm rừng, bảo tồn các loài sinh cảnh, bảo vệ động vật, thực vật rừng nguy cấp quý hiếm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh, bảo đảm việc nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã không ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Các hành vi khai thác, đánh bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép các loài thực vật, động vật hoang dã, quý hiếm sẽ bị xử lý nghiêm và thông tin tới cộng đồng để mang tính giáo dục và răn đe.

Vân Anh và nhóm PV, BTV