Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối châu thổ sông Mê Kông, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Song, đây cũng là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đề cập về nguồn tài nguyên nước ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia đã phân tích, đối với tài nguyên nước mặt, vùng đồng bằng châu thổ có hệ thống sông suối, kênh rạch chằng chịt bao gồm sông Tiền và sông Hậu, phân lưu ra các cửa sông kế tiếp nhau là sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu, sông Hậu qua cửa Định An và Trần Đề.
Trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, việc quản lý khai thác nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. |
Còn đối với tài nguyên nước dưới đất, Đồng bằng sông Cửu Long chính là một trong các vùng có tiềm năng nước dưới đất lớn nhất nước ta, gồm 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600 mét. Các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt (hay còn gọi là nước nhạt) lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng tiềm năng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như khai thác chưa hợp lý cùng với tác động của biến đổi khí hậu, khu vực Đồng bằng bằng sông Cửu Long có những dấu hiệu, nguy cơ suy giảm mực nước, gia tăng xâm nhập mặn và sụt lún nền đất xảy ra cục bộ. Số liệu từ Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, biến đổi khí hậu, thiên tai tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn. Chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019-2020, trên 160 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn khiến khoảng 430.000 người dân trong vùng gặp khó khăn về nước sinh hoạt.
Đề cập đến việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước, Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam khẳng định: Trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, việc quản lý khai thác nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Trong những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ có hiệu quả của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, nhiều công trình xử lý nước sạch đã được tập trung đầu tư xây dựng cả ở khu vực đô thị và nông thôn, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch được tăng lên hàng năm. Mỗi địa phương trong vùng cũng đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước.
Hồng Khanh