- Mới đây thôi, nếu cơ quan quản lý có thể thở phào vì tìm được quy định phạt Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” với một mức phạt kịch trần giá…5 triệu đồng; thì họ dù bực bội nhưng lại không thể phạt được cô người mẫu Hồng Quế “tự ý xé rào chui thảm đỏ” liên hoan phim quốc gia với một bộ cánh phản cảm.

Người Quan Sát

"Khoe thân phải mang tính... nhân văn"
Đồng tính và sự tử tế của nghệ thuật
Nụ hôn “ước lệ” vẽ chân dung văn hóa “lùn”
Nền tảng văn hoá không theo kịp sự nổi tiếng
"Đá ném ao bèo" và câu chuyện bản quyền
Nobel và bãi cát dài thơ ngây


Trong ba tuần lễ tới, Nghị định 79 của Chính phủ, được coi là văn bản pháp lý cao nhất trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, chính thức có hiệu lực.

Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, Nghị định 79 đưa ra nhiều quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Có thể thấy sự trông đợi rõ ràng, rằng: văn bản luật gồm 5 chương và 31 điều – vốn mất hai năm soạn thảo với nhiều lần lấy ý kiến – sẽ dẹp được những lối làm ăn, tổ chức biểu diễn bê bối; những màn trình diễn phản cảm, tai tiếng gần đây trong làng giải trí Việt.

Đàm Vĩnh Hưng và dàn vũ công nhí có những động tác biểu diễn không phù hợp với tuổi thơ khiến công chúng bất bình.(ảnh tư liệu)

Khi đưa tin sự kiện phổ biến văn bản luật mới nói trên cho cơ quan quản lý văn hóa ở các địa phương phía Nam, trang tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch viết: “Việc cho ra đời Nghị định 79 trong bối cảnh thị trường biểu diễn liên tục xuất hiện nhiều “hạt sạn” khổng lồ cho thấy cơ quan chức năng sẽ mạnh tay chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nhằm hạn chế sai sót, xóa bỏ các sự cố phản cảm”.

Với một văn bản luật ra đời trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, người ta có thể tin vào khả năng áp chế của nó đối với những vụ tai tiếng trong hoạt động biểu diễn đã từng xảy ra, và từng khiến cơ quan quản lý văn hóa bối rối xử lý.

Chẳng hạn như bóng dáng vụ hoa hậu Thùy Dung đăng quang khi chưa tốt nghiệp, với sự đồng lõa của ban tổ chức, có thể được nhìn thấy trong quy định “thí sinh dự thi người đẹp phải đủ 18 tuổi trở lên, có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên”. Thậm chí, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ là ông Hoàng Minh Thái phải chua thêm trong buổi phổ biến văn bản nói trên rằng “chính xác là 18 năm cộng 1 ngày, có bằng tốt nghiệp chứ không phải là giấy chứng nhận”.

Hay như quy định “trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân đạt giải ngay sau khi công bố kết quả cuộc thi” có mặt là để ngăn ngừa các vụ lùm xùm quỵt tiền thưởng của thí sinh từng diễn ra. Rồi chuyện ăn mặc hở hang trên sân khấu làm nảy sinh quy định “sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam”.

Theo cách ấy, khi đọc kỹ văn bản luật mới, người ta không thể không giật mình với bức chân dung thật bộn bề những chuyện không hay ho của hoạt động trình diễn nghệ thuật trong nước. Từ “hát nhép” cho tới “đàn nhép” (khiến một địa phương hẻo lánh phải kêu lên họ không có đủ nhạc công để…đàn thật). Từ quảng cáo “treo đầu dê” đến tour lưu diễn nơi này cho, nơi khác lại cấm. Từ lạm phát thi hoa hậu, người đẹp trong nước đến chuyện ra nước ngoài thi “chui”…

Tuy nhiên, trước thực tế những chuyện tai tiếng ngày một thiên biến vạn hóa như một đặc tính gắn liền với thế giới giải trí, người ta có quyền hồ nghi “lăng kính” Nghị định 79 vừa phác ra một bức chân dung không đầy đủ, nhiều rủi ro bất lực trước mắt khi bản thân nó tự đặt mình vào cuộc rượt đuổi scandal không hồi kết.

Mới đây thôi, nếu cơ quan quản lý có thể thở phào vì tìm được quy định phạt Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” với một mức phạt kịch trần giá…5 triệu đồng; thì họ dù bực bội nhưng lại không thể phạt được cô người mẫu Hồng Quế “tự ý xé rào chui thảm đỏ” liên hoan phim quốc gia với một bộ cánh phản cảm.

Mặt khác, để không (và không thể) can thiệp quá sâu vào những lĩnh vực thuộc dân sự, một hệ thống văn bản luật rõ ràng không thể nào chiều theo tâm trạng công chúng, vốn hễ giận dữ với người nổi tiếng nào gây tai tiếng là đòi…phạt.

Thay vì đứng canh chừng vi phạm, có lẽ điều mà ngành văn hóa cần làm hơn là tạo ra một hành lang pháp lý giúp sức cho những nhà tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp và những nghệ sĩ tài năng và tử tế tạo ra những tác phẩm trình diễn đỉnh cao trên sân khấu. Những tai tiếng không hay ho, nếu không xâm phạm đến lợi ích hay giá trị chuẩn mực của cộng đồng, tự khắc sẽ trở về đúng vị trí của nó như một câu chuyện buôn trên truyền thông giải trí.

Minh Chánh

Quý độc giả có thể phản hồi đến cho người viết theo địa chỉ minhchanh.dang@vietnamnet.vn