Pác Nặm là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 14,8%. Thời gian qua, lãnh đạo huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực, nguồn vốn chính sách, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Pác Nặm đã triển khai được 2 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lợn thịt bản địa, với quy mô 400 con/chu kỳ; dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ gà thịt với quy mô 6.000 con/chu kỳ sản xuất.
Nhiều gia đình người H'Mông tại huyện Pác Nặm nhờ nguồn vốn chính sách ưu đãi vươn lên làm chủ cuộc sống, tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Điển hình như gia đình anh Ma Đình Hảo, ở thôn Phiêng Đường, xã Yên Cư.
Gia đình anh Hảo được giải quyết cho vay 50 triệu đồng vốn tín dụng dành cho hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi lợn thịt và lợn nái. Đến nay, đàn lợn của anh đã có tới 80 con. Hàng tháng, gia đình anh xuất bán từ 3 đến 4 tấn lợn thịt hơi, đem về nguồn thu đáng kể.
Cùng với hỗ trợ vay vốn chính sách cho người nghèo, cận nghèo, trên toàn tỉnh Bắc Kạn, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; giúp người nghèo ổn định cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều.
Bắc Kạn thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, quan tâm đa chiều đến người yếu thế bằng nhiều cách làm thiết thực hiệu quả như: Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo; tư vấn, định hướng giới thiệu việc làm trong và ngoài nước cho người lao động; thực hiện cứu đói, cứu trợ đột xuất…
Năm ngoái, toàn tỉnh đã triển khai được 147 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo với tổng số vốn được giao hơn 166,3 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 của tỉnh Bắc Kạn giảm 2,76%, đạt và vượt kế hoạch của tỉnh đề ra. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh còn 21,95%, với 18.067 hộ nghèo.
Tuy nhiên, tại Bắc Kạn, số hộ cận nghèo tăng 107 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 0,1% so với năm 2022, nâng số hộ cận nghèo lên 7.492 hộ, chiếm tỷ lệ 9,1%.
Năm 2024 toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2-2,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, trong đó tỷ lệ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân từ 4-5%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%.
Để giảm nghèo bền vững theo tiêu chí chuẩn đa chiều trong năm 2024, Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thành các công trình phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện nghèo theo kế hoạch đầu tư. Năm nay Chương trình giảm nghèo bền vững đầu tư hơn 272 tỷ đồng để xây dựng 23 công trình kết cấu hạ tầng; triển khai 98 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.
Nguồn vốn này cũng được chi để thực hiện 47 mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ khoảng 280 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện xây mới hoặc sửa chữa nhà ở…
Để thực hiện được các mục tiêu trên, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo hướng bền vững, đa chiều.
Đồng thời các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án từ sớm, sử dụng nguồn lực đầu tư đúng mục tiêu, đúng đối tượng theo quy định, nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, tạo sinh kế bền vững cho người dân.