Đối với một tỉnh có đường biển dài và vùng biển rộng như Quảng Bình, ngành thủy sản đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh trên các vùng biển.

Để thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển, thời gian vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã có nhiều chủ trương, định hướng, chiến lược và được các cấp ủy, chính quyền, ngư dân cụ thể hóa thành hiện thực. 

Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 97 nghìn tấn, tăng 4,2%, tỷ trọng đóng góp của ngành thủy sản chiếm gần 33% trong khu vực nông nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 2,8 vạn lao động trong độ tuổi…

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành thuỷ sản, tại bến sông Nhật Lệ, phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thả tôm sú, cá chẽm giống xuống sông Nhật Lệ. Ảnh: CTV.jpg
Thả tôm sú, cá chẽm giống xuống sông Nhật Lệ. Ảnh: CTV.

Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã thả 1 triệu con tôm sú giống, 3.000 con cá chẽm giống xuống sông Nhật Lệ.

Ông Hoàng Xuân Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng gửi tới toàn thể người dân thông điệp "Vì cuộc sống của chúng ta và thế hệ mai sau, hãy chung tay bảo vệ môi trường, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên".

Đồng thời, ông đề nghị các ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các giải pháp cấp bách chống khai thác thủy bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, góp phần cùng cả nước gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu cũng như bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Các địa phương tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế để ngành thủy sản phát triển ngày càng bền vững.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện, khuyến khích và động viên ngư dân bám biển hoạt động, khai thác thủy sản tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, thực hiện tốt công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, nhất là vùng ven bờ.

Hải Sâm