Trong thời gian qua, công tác quản lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã đạt được một số kết quả nhất định. Cơ sở hạ tầng các dự án xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường từng bước được quan tâm đầu tư, mạng lưới hợp tác xã, tổ đội vệ sinh môi trường ở các địa phương ngày càng được mở rộng và phát triển về số lượng cũng như chất lượng. 

Nhận thức của cộng đồng về vai trò trách nhiệm trong hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao, nhất là ở các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, công tác xã hội hóa trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã đạt được một số kết quả quan trọng. 

anh 10ss.jpg
Tỉnh Quảng Bình khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, đơn vị này đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ thu gom, xử lý ước tính 6 tháng đầu năm đạt 81%. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn thải và bảo đảm vệ sinh môi trường; theo dõi, giám sát tình hình thực hiện của Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ....

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên công tác quản lý lĩnh vực môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng còn gặp phải một số tồn tại, vướng mắc. Để khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn; đồng thời chủ động phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất thải rắn, mới đây Quảng Bình đã ban hành quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. 

Theo đó, các nguyên tắc chung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt được đặt ra, đó là việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt.

Chủ nguồn thải có trách nhiệm phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý và chi trả giá dịch vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.

Tỉnh khuyến khích việc xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; việc đầu tư mới các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo hướng áp dụng các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên đất, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý thu hồi năng lượng và hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. 

Hạn chế sử dụng bao bì túi ni lông khó phân hủy để chứa chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại, khuyến khích sử dụng túi thân thiện môi trường để thay thế các túi ni lông khó phân hủy.

Về thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được thực hiện như sau: Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của các hộ gia đình, cá nhân trong vùng được bao phủ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được hợp đồng đơn vị chuyên trách trực tiếp thu gom, vận chuyển đến cơ sở xử lý trên địa bàn.

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của các hộ gia đình, cá nhân ngoài vùng được bao phủ dịch vụ thu gom, vận chuyển được đơn vị thu gom do Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện thành lập hoặc đơn vị được ký hợp đồng thu gom vận chuyển về điểm tập kết hoặc đến cơ sở xử lý trên địa bàn.

Các cơ quan, tổ chức quản lý các tuyến đường, tuyến phố, quảng trường, siêu thị, trung tâm thương mại, công viên, khu vui chơi giải trí, điểm tập trung dân cư, các khu đô thị mới, chung cư, đầu mối giao thông và các khu vực công cộng khác... phải bố trí các thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt có dán nhãn để mọi người nhận biết và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Quy định cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong việc giám sát các hoạt động thu gom, xử lý rác thải của các tổ chức thực hiện thu gom rác thải; tham gia hoạt động vệ sinh môi trường ở đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng và hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư.

Với việc tăng cường quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần tạo cảnh quan môi trường sạch - đẹp trên địa bàn toàn tỉnh.

Tiến Quang

Duy Khánh và nhóm PV, BTV