Quảng Bình hiện có khoảng 3.552 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên trong đó có 1.164 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi xa bờ. Diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ ven biển trên địa bàn hiện có hơn 1.300 ha.

Trong nhiều năm qua, rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất thủy sản ở tỉnh Quảng Bình chủ yếu đến từ hoạt động khai thác thủy sản; ngư lưới cụ hư hỏng, thất thoát, trôi nổi trên biển và sản xuất nuôi trồng thủy sản ven biển…

Trong một tham luận gửi đến Hội thảo về quản lý chất thải nhựa nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UNDP Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: Theo thông tin từ các chủ tàu cá xa bờ, mỗi năm lượng rác thải trên mỗi tàu bình quân khoảng từ 70-80 kg/tàu. Do vậy lượng rác thải ước tính từ tàu cá khai thác xa bờ Quảng Bình khoảng 80-100 tấn/năm.

2 quang binh.jpg
Đã có hơn 700 tàu cá xa bờ của tỉnh hưởng ứng và tiếp tục duy trì mô hình thu gom rác thải.

Căn cứ trên các văn bản của Trung ương và địa phương về quản lý rác thải nhựa đại dương; Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản… tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động như tập huấn kỹ năng truyền thông. Cụ thể, tỉnh đã tổ chức 03 khóa tập huấn cho thành viên nòng cốt, với tổng 75 người tham gia. Tập huấn kỹ thuật đan túi lưới với 2 khóa tập huấn với tổng 40 học viên tham gia là ngư dân và phụ nữ. Mục đích của khóa tập huấn để may túi lưới đi chợ và túi đựng rác để cấp phát cho phụ nữ và các tàu cá. Bên cạnh đó, ngư dân ký cam kết, gắn bảng nội quy. Cụ thể là các chủ tàu thuyền thực hiện ký cam kết thu gom rác từ biển vào bờ trong mỗi chuyến đi biển. Mỗi tàu thuyền sẽ được cấp phát 02 túi lưới đựng rác để ngư dân có thể đựng rác trên thuyền và sau đó mang về bờ…

Kết quả của mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ, đã có hơn 700 tàu cá xa bờ của tỉnh hưởng ứng và tiếp tục duy trì mô hình thu gom rác thải. Hàng năm thu gom ước tính khoảng 50-60 tấn rác thải nhựa từ tàu cá mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom để chuyển cho các đơn vị có chức năng phân loại, xử lý.

Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Linh cho biết Chi cục thủy sản chưa có chức năng quản lý nhà nước về rác thải nhựa đại dương, do đó gặp khó khăn khi xử lý các tình huống phát sinh. Bên cạnh đó, cán bộ quản lý lĩnh vực thủy sản của địa phương chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về quản lý rác thải nhựa đại dương phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản…

Chi cục Thủy sản Quảng Bình là cơ quan được Sở Nông nghiệp và PTNT giao phối hợp quản lý rác thải nhựa đại dương phát sinh trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên hiện nay, Chi cục chưa có kinh phí để tổ chức tập huấn, tuyên truyền, triển khai nhân rộng mô hình thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ.

Để nhân rộng mô hình thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân và các cơ sở nuôi trồng thủy sản về các quy định của pháp luật về rác thải nhựa và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngư dân, cơ sở nuôi trồng thủy sản trong việc thu gom chất thải nhựa

Song song với đó là hỗ trợ kinh phí để các cơ quan quản lý thủy sản tại địa phương triển khai tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực và xây dựng các mô hình quản lý, giảm rác thải nhựa đại dương…

Huệ Anh