Ngày 9/12, trao đổi với VietNamNet, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam Võ Văn Dũng cho biết, tính đến ngày 1/12, với nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương xuống địa phương nên tổng số lượt người được giới thiệu việc làm trong năm là 1.638 người với 46 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

“Trong đó, giới thiệu việc làm trong nước là 1.621 người và 17 người đi nước ngoài. Giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp cao nhất với 764 người”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hiện trên địa bàn tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lớn với hơn 19.000 việc làm của hơn 156 doanh nghiệp.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam trong năm qua đã tiếp nhận 10.846 người có hộ khẩu thường trú ở tỉnh Quảng Nam đề nghị hỗ trợ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cùng với đó, có 2.450 người nơi khác về nộp hồ sơ hưởng trợ cấp này.

“Số tiền chi trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay hơn 115,1 tỷ đồng với hơn 10.800 người”, ông Dũng nói.

{keywords}
Một phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động tại tỉnh Quảng Nam

Lý do số người được nhận trợ cấp thất nghiệp năm nay nhiều hơn so với những năm trước được ông Dũng nhận định là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Cũng theo ông Dũng, hiện các doanh nghiệp chủ yếu tập trung tuyển dụng một số vị trí ngành như may, dệt, nhuộm; nhân viên kinh doanh và lao động phổ thông. “Các ngành như du lịch, dịch vụ, lữ hành hiện tại vẫn đang rục rịch quay trở lại nhưng chưa lớn vì dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn khó lường”, ông Dũng thông tin.

Một năm hơn 18.500 lao động mất việc

Trưởng phòng Lao động – Việc làm, Sở Lao động và Thương binh Xã hội tỉnh Quảng Nam Lê Huy Tứ cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm qua có đến hơn 18.500 lao động mất việc trên địa bàn tỉnh.

“Số lượng này chủ yếu tập trung ở ngành du lịch, dịch vụ, vận tải hành khách. Riêng với những ngành sản xuất như dệt, may, giày, điện tử, cơ khí… không ảnh hưởng nhiều vì các đơn hàng từ nước ngoài vẫn đổ về liên tục. Có nhiều doanh nghiệp vẫn tăng ca, tuyển thêm lao động trong thời gian dịch bệnh diễn ra”, ông Tứ nói.

Tính riêng Quý III và IV năm nay, khi khảo sát 100 doanh nghiệp đã có hơn 16.000 việc làm còn trống. Trong số này các khu công nghiệp chiếm đến gần 12.000 người.

Về chính sách hỗ trợ cho người lao động trong năm nay, ông Tứ cho biết, trong năm có chính sách lớn đó là thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh về việc chi hỗ trợ cho người lao động ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Cụ thể, Quảng Nam đã chi hỗ trợ hơn 93,7 tỷ đồng cho hơn 4.000 doanh nghiệp và hơn 162.900 người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trong đó, có nhiều hạng mục được quan tâm như: Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp lao động, bệnh nghề nghiệp với gần 42 tỷ đồng cho hơn 127,5 nghìn người và hơn 3.000 doanh nghiệp. Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương với hơn 3,7 tỷ đồng cho hơn 1.250 người.

Hỗ trợ người lao động tự do, một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với hơn 33,1 tỷ đồng cho hơn 22.500 người.

{keywords}
Người lao động về Quảng Nam hôm 13/10

Trao đổi về những khó khăn trong năm vừa qua, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam trình bày, năm nay là một năm khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ người lao động thất nghiệp.

“Nhiều người từ vùng dịch về nhưng gần hết hạn nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sau 3 tháng. Khi người ta nộp lại không có sổ bảo hiểm gốc, quyết định nghỉ việc lại đang nằm ở công ty.

Chúng tôi phải đối chiếu quyết định nghỉ việc qua zalo của công ty chủ quản, sau đó gửi tờ trình lên Bảo hiểm xã hội tỉnh cấp sổ bảo hiểm mới cho người lao động để xử lý đúng với quy định”, ông Dũng nói.

Những kiến nghị cũng được ông Dũng đưa ra để người lao động dễ dàng tiếp cận đến với doanh nghiệp. Theo ông Dũng, doanh nghiệp ở các khu công nghiệp nên bổ sung, cập nhật thường xuyên các chỗ làm trống.

“Thứ hai, các trường nghề nên mở thông tin rộng rãi các khóa học nghề. Người học có được quyền lợi gì? khóa học kéo dài bao lâu?... Và cuối cùng đó là chính sách thu hút người lao động có tay nghề cao. Nếu mình làm được điều này sẽ nâng cao chất lượng đầu vào lẫn đầu ra, từ đó thị trường làm việc được nâng tầm”, ông Dũng kiến nghị.

Công Sáng

Nỗ lực tìm kiếm việc làm cho người lao động hồi hương

Nỗ lực tìm kiếm việc làm cho người lao động hồi hương

Trong báo cáo thị trường lao động phổ thông trong và hậu giãn cách của một đơn vị công bố gần đây đưa ra số liệu đã có ít nhất 1,3 triệu người dân rời các thành phố lớn đề về quê tránh dịch.