Sau giai đoạn hậu giãn cách, tốc độ phục hồi tuyển dụng từ phía nhà tuyển dụng chậm hơn so với nhu cầu tìm việc của người lao động phổ thông.
Tuy nhiên, chỉ có 58% người lao động đã về quê có dự định quay trở lại TP.HCM làm việc, 42% còn lại đều khẳng định sẽ không quay lại thành phố.
Hàng trăm nghìn người lao động đã hồi hương trong đợt dịch Covid-19 thứ tư. Ảnh minh họa: Thanh Tùng |
Bà Trần Minh Ngọc - Giám đốc Việc Làm Tốt - cho biết làn sóng về quê và không quay lại thành phố làm việc sau giãn cách đã gây nhiều khó khăn lớn cho doanh nghiệp tại TP.HCM và một số tỉnh thành phát triển công nghiệp sản xuất tại phía nam trong giai đoạn phục hồi hậu giãn cách.
Chỉ sau thời gian ngắn TP.HCM mở cửa trở lại, số lượng việc làm đăng cần tuyển dụng trên trang tăng gấp 3 lần, lương tăng 7-10% nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết khó tìm đủ lao động cho công việc sản xuất cuối năm. Chỉ số GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ, 21.194 doanh nghiệp đóng cửa, 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc, giảm lương.
Còn theo ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Lao động Xã hội Việt Nam, thì năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 9,1 triệu lao động trong quý 1/2021, 12,8 triệu lao động trong quý 2/2021 và 17 triệu lao động trong quý 3/2021.
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã làm nhiều lao động bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải cuộc sống, trong đó có lao động ngoại tỉnh. Do đó, cộng với tâm lý e ngại sợ nhiễm bệnh, nhiều lao động ngoại tỉnh đã rời thành phố về quê vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương, khoảng 686.000 lao động trở về từ vùng dịch. Trong đó, Thanh Hóa có số lượng người về quê tự phát cao nhất cả nước, với 175.700 người, tiếp đến là Đắk Lắk với 75.000 người, Sóc Trăng với 50.700 người, Nam Định là 39.000 người, Sơn La 36.100 người,...
Còn theo thống kê của Nghệ An, từ tháng 4 đến tháng 10/2021, làn sóng dịch chuyển lao động từ các vùng có dịch Covid-19 về địa bàn Nghệ An rất lớn. Đã có 99.957 người từ vùng có dịch về địa phương, trong đó, số người trong độ tuổi lao động là 75.858 người chiếm 75,89% trên tổng số công dân trở về quê.
Trong tổng số 75.858 người lao động đã trở về quê, có 45.292 người (có đăng ký với các huyện, xã) có nhu cầu giải quyết việc làm (chiếm 59,7% số lao động trở về quê); có 30.566 người lao động muốn ở lại địa phương tự làm việc hoặc chưa sẵn sàng trở lại làm các công việc trước đây (chiếm 40,3% số lao động về quê)...
Việc hàng loạt lao động trở về từ các khu công nghiệp đặt ra những khó khăn về giải quyết việc làm ở địa phương nơi về. Phần lớn trong số họ là lao động phổ thông cần việc làm luôn, khiến nhiều trung tâm giới thiệu việc làm địa phương quá tải.
Kết nối cùng tìm công nhân cho doanh nghiệp, cơ hội làm việc cho người lao động
Trước những khó khăn trong hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động, cũng như vướng mắc trong đào tạo, ông Lê Thanh Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Gia Lai cho biết Trung tâm đang nỗ lực kết nối với các Trung tâm giới thiệu việc làm của Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… để nâng cao hiệu quả.
Theo ông Truyền, việc kết nối giúp tăng khả năng tìm được việc làm khi phần lớn người lao động sẽ quay trở lại các khu công nghiệp và các doanh nghiệp lớn đều tập trung tại đó.
Khi đó, tình trạng “cầu" vượt "cung" tại địa phương giảm xuống và người lao động có cơ hội tiếp cận với các công ty lớn, có mức thu nhập cao hơn. Ngoài ra, cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp sẽ được mở rộng.
Ông Truyền nói rằng không chỉ dừng lại tại đây, Trung tâm đang nỗ lực kết nối với các nguồn lực bên ngoài để có thể mở rộng thị trường giới thiệu được nhiều việc làm tốt hơn cho người lao động.
“Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, hoàn thiện quy trình, quy chế phối hợp nâng cao chất lượng tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, học nghề, tạo việc làm giữa Trung tâm và các địa phương” - ông Truyền chia sẻ thêm.
Bà Trần Thùy Trâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cũng cho biết Trung tâm đã có công văn gửi Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh để kết nối lao động đến, quay trở lại Đồng Nai.
Hiện tại Trung tâm đã kết nối với tỉnh Ninh Thuận, Đồng Tháp, Bạc Liêu, An Giang, Cà Mau, Đăk Lăk, Gia Lai.
“Dự kiến từ ngày 14-17/12 này, Trung tâm sẽ đưa một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đến tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk để tuyển dụng lao động kết nối việc làm” – bà Trâm nói.
Theo bà Trâm, thời gian tới, để kiếm tìm nguồn lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Trung tâm còn mở rộng kết nối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu long và các tỉnh miền Trung, Khu vực Tây nguyên.
Trung tâm cũng sẽ kết nối sàn Giao dịch việc làm trực tuyến với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai tham gia (hoặc đặt cộng tác viên) tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh trong khu vực để tuyển dụng lao động.
Còn bà Ngô Thục Phương, Phó Giám đốc Sở Lao Động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết trong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, qua đó có những giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân.
Cụ thể, Sở Lao Động – Thương Binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc sẽ nắm bắt về tình hình sử dụng và nhu cầu sử dụng lao động của người sử dụng lao động trên địa bàn với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động và các chính sách của doanh nghiệp cho người lao động.
Xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các địa phương lân cận trong việc cung ứng và tuyển dụng lao động để tạo sự kết nối, liên thông trong chuỗi cung ứng lao động giữa các địa phương; Tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc bằng phương tiện vận tải công cộng hoặc phương tiện cá nhân, ưu tiên tầm soát xét nghiệm miễn phí, tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu, nội dung, thời gian của doanh nghiệp phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, kết nối, phát triển nguồn lao động từ bộ đội, công an xuất ngũ, học viên từ các trường nghề cung ứng cho thị trường lao động.
Phương Chi
Chuẩn bị đợt tuyển dụng lớn hướng đến lao động khu vực Tây nguyên
Ngay khi vừa hết thời gian giãn cách, Trung tâm Dịch vụ việc làm của Đồng Nai liên tục có các hoạt động làm cầu nối cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần giúp các doanh nghiệp ở địa phương sớm khôi phục lại sản xuất.
“Đón sóng” tuyển dụng, rộng mở cơ hội việc làm cho người lao động sau dịch Covid-19
Khi nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây là thời cơ để người lao động “đón sóng”, tìm kiếm cơ hội việc làm.
Kết nối việc làm cho người lao động thông qua ứng dụng công nghệ thông tin
Những tháng cuối năm này, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp tăng cao. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp gặp nhiều khó khăn.