Thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh và địa phương miền núi chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch giáo dục pháp luật cho cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đem lại hiệu quả thiết thực.
Đẩy mạnh phổ biến giáo dục pháp luật
Ông Hồ Văn Thành - Phó Trưởng phòng Chính sách và tuyên truyền (Ban Dân tộc tỉnh) cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, đơn vị tập trung đẩy mạnh các nhiệm vụ được giao về phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Hình thức tuyên truyền khá đa dạng như: tập huấn kết hợp hội nghị tuyên truyền pháp luật cho người dân, lắp đặt pa nô tuyên truyền, chiếu phim ảnh liên quan một số vấn đề pháp luật, tập huấn cho các già làng, người có uy tín trong cộng đồng... Từ đó, giúp nâng cao khả năng phổ biến giáo dục pháp luật đến cán bộ và người dân miền núi.
Ông A Lăng Bhoong ở thôn Aroong, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang chia sẻ: Được tham dự lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật từ các cấp chính quyền, mình được hiểu rõ hơn về tác hại của tảo hôn, bạo lực gia đình trong đời sống hiện nay. Đồng thời, ông cũng phần nào hình dung được ý nghĩa to lớn từ những chính sách mà Nhà nước đã ưu tiên cho người đồng bào. Qua đó, ông sẽ truyền đạt lại cho con cháu, những người xung quanh về việc tuân thủ pháp luật, không được thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Để nâng cao hiệu quả pháp luật cho đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thành công hàng chục hội nghị tuyên truyền, tập huấn tại các địa bàn trọng yếu thuộc 7 huyện vùng núi cao của tỉnh (gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My và Hiệp Đức) với hàng nghìn đại biểu là cán bộ xã, thôn, già làng, người có uy tín và bà con nhân dân tham gia.
Tại các hội nghị, đại biểu đã được tập huấn, tuyên truyền chuyên sâu về nội dung tăng cường phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn; theo dõi, nắm bắt tình hình, triển khai biện pháp cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS & MN, nhất là tại các địa bàn thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội...
Ngoài tuyên truyền tại khu dân cư, thôn bản, nhiều địa phương triển khai các mô hình tuyên truyền pháp luật trong trường học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Là địa phương có đến 3/4 diện tích tự nhiên là vùng rừng núi- nơi định cư sinh sống của hơn 140,6 nghìn cư dân là đồng bào DTTS, địa hình chia cắt phức tạp, ranh giới tiếp giáp với nhiều địa phương và hơn 157 km đường biên giới với nước Lào; do đó, việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động được xem là giải pháp then chốt, có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS & MN và sự thành công chung của đề án tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian đến Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai các hội nghị tập huấn tại các địa bàn trọng yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, hình thành đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công tác tuyên truyền, vận động trên địa bàn, tích cực góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.