Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 107.000 ha rừng tự nhiên, gần 10.000 ha rừng ven biển và 5 vùng đất ngập nước ven biển, với tổng diện tích gần 1.800 ha. Hệ sinh thái với 478 loài động vật có xương sống ở cạn, trong đó có 53 loài động vật quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam đặc biệt là Voọc chà vá chân xám, đây được xem là một trong những khu vực có giá trị lớn cho bảo tồn đa dạng sinh học.

Từ nhiều năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, phòng ngừa tội phạm đa dạng sinh học.

Cụ thể, thực hiện chỉ thị Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp bách đưa ra các giải pháp về bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới cộng đồng về các quy định của pháp luật về Luật Đa dạng sinh học, ý nghĩa của công tác bảo vệ động vật hoang dã, các cơ quan trực thuộc đơn vị nhà nước quán triệt cán bộ, công chức, viên chức nói không với các loại động vật hoang dã cũng như sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Các đơn vị như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh đưa ra các biện pháp quản lý, điều tra xử lý hoạt động tổ chức của tội phạm đa dạng sinh học, tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. 

dong vat hoang da 2.png
Quảng Ngãi có nhiều chính sách, giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã. 

Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã có thay đổi về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều cơ quan, cán bô, công chức còn ký cam kết không sử dụng sản phẩm hay thực phẩm liên quan đến động vật hoang dã. Người dân trong địa bàn nâng cao nhận thức về hành vi săn bắt, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, sử dụng trái phép động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã là vi phạm phạm pháp luật. Từ đó, người dân đã tích cực thông tin tới cơ quan chức năng khi phát hiện các dấu hiệu nghi vấn liên quan tới hành vi vi phạm đa dạng sinh học.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát và rà soát công tác nuôi gây động vật rừng tại các hộ gia đình, cơ sở có đăng ký. Nghiêm cấm gây nuôi động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp hoặc nguồn gốc săn bắt từ rừng tự nhiên. 

Trong năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 153 về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Quảng Ngãi đưa ra mục tiêu từ nay đến năm 2030, nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã, thực vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh sẽ có sự chuyển biến thông qua truyền thông. Các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố trong tỉnh củng cố hệ thống chính sách, văn bản liên quan tới phòng chống tội phạm đa dạng sinh học. Ưu tiên phát triển năng lực cán bộ chuyên môn làm trong lĩnh vực đa dạng sinh học qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác xử lý vụ việc, điều tra các hành vi liên quan tới vấn đề này.

Trong đó tuyên truyền là giải pháp chủ chốt. Các địa phương xây dưng các chuyên đề tuyên truyền về phòng chống tội phạm đa dạng sinh học phát trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, đài phát thanh huyện, xã. Từ đó, người dân được cung cấp thông tin đầy đủ về các quy định của nhà nước liên quan tới bảo vệ đa dạng sinh học, hành vi mua bán động vật trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự. Các vụ việc được xử lý dứt điểm và thông tin nhanh chóng để mang tính răn đe, giáo dục cho cộng đồng. 

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV