Các HTX lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, các sản phẩm OCOP của tỉnh, của địa phương, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tỉnh Quảng Ninh xác định là chiến lược quan trọng nhằm tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Vì vậy, cùng với thu hút đầu tư, xây dựng nông nghiệp thông minh, tỉnh Quảng Ninh cũng tạo điều kiện cho HTX nông nghiệp công nghệ cao, như một nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế nông nghiệp.

anhbai quang ninh.jpg
Dưa lưới được trồng trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai hiệu quả các dự án, mô hình, như: Sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP; ứng dụng công nghệ máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp tại TX Quảng Yên; xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt VietGAP, liên kết HTX với chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm OCOP tại xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả); chăn nuôi bò lai BBB sinh sản tuần hoàn tại TX Đông Triều; chăn nuôi ngan (ngan sao) thương phẩm an toàn sinh học và xây dựng mô hình trồng hồi ghép theo hướng hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu tại Bình Liêu; nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại TX Quảng Yên…

Mô hình HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Tuyền Huyền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà): HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gà giống và gà thương phẩm, gà bản Đầm Hà; đến nay đã mở rộng quy mô sản xuất, trung bình mỗi năm HTX Tuyền Hiền cung cấp 15-30 vạn con giống, trên 20 tấn gà thương phẩm cho thị trường, tổng doanh thu đạt 4 tỷ đồng. Giống gà của HTX Tuyền Hiền không chỉ cung cấp cho Đầm Hà, Móng Cái, Tiên Yên, Ba Chẽ... mà còn mở rộng thị trường sang các tỉnh, thành trong cả nước. Hiện HTX Tuyền Hiền cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương và liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà để chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi và bao tiêu sản phẩm; mỗi năm, tổng lợi nhuận đem lại cho các hộ tham gia liên kết đạt trên 5,8 tỷ đồng.

 Mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều): HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tổng hợp; tổng số thành viên 50 người; HTX đã tập trung liên kết sản xuất nông sản sạch cung cấp ra thị trường các sản phẩm như: rau, củ, quả và trồng lúa các loại, sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột... Doanh thu năm 2022 ước đạt trên 140 tỷ đồng.

 Với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Yên Đức (TX Đông Triều), từ khi thực hiện canh tác theo quy trình VietGAP, sản phẩm nếp cái hoa vàng của HTX đã được nâng cao chất lượng lên nhiều lần. Hiện tại, diện tích nếp cái hoa vàng của HTX đạt khoảng 20ha, thị trường tiêu thụ tốt, đem lại thu nhập bình quân 51,7 triệu đồng/ha cho người dân, cao hơn các loại lúa khác 17,9 triệu đồng/ha. 

Từ tháng 3/2023, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cơ sở dữ liệu quản lý năng lực giám sát và đánh giá ngành Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn; Đồng thời, đã tổ chức nâng cao nhận thức cho HTX, khuyến khích các HTX nông nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm: Đến nay có 23 HTX đưa sản phẩm OCOP lên sàn voso.vn; 21 HTX đưa sản phẩm OCOP lên sàn postmart.vn; 17 HTX với 107 sản phẩm tham gia hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ http://qn.check.net.vn; hỗ trợ 40 HTX nông nghiệp, trang trại trên địa bàn tham gia ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất và kế toán HTX.

Thời gian tới, để thúc đẩy phát triển thêm các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục có các chính sách khuyến khích tạo điều kiện để HTX đổi mới toàn diện về tổ chức, hoạt động đảm bảo đúng nguyên tắc; phát triển đa dạng các loại hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, gắn với các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng Nông thôn mới; Chương trình OCOP; cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Cùng với đó, xây dựng mối liên kết sản xuất chặt chẽ trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; nâng cao năng lực thích ứng với những biến động của thị trường trong điều kiện nền kinh tế mở, gia tăng giá trị sản phẩm nông sản góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của thành viên, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thái Khang và nhóm PV, BTV