Tại Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 5/12, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã có bài tham luận “Phân tích, đánh giá thực trạng ban hành và thực thi chính sách cấp tỉnh triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Nghiên cứu tại tỉnh Quảng Ninh, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh cho biết, để triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và các nghị quyết, quyết định khác của Đảng, Chính phủ có liên quan, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019 thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

5 quang ninh ok.jpg
Tỉnh Quảng Ninh đã thành công trong việc thúc đẩy kinh tế biển, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Mục tiêu hướng đến là xây dựng Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 28/02/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị đề cập tới phát triển kinh tế biển bao gồm:  Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững… 

Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 18/01/2022 của UBND tỉnh Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra mục tiêu chung: Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển của cả nước; ứng dụng thành tựu khoa học mới, tiên tiến hội nhập và lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế biển và kinh tế vùng ven biển gắn liền mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, khu vực, đất nước. Mục tiêu phát triển kinh tế biển và ven biển chú trọng các lĩnh vực du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; phát triển công nghiệp, khu kinh tế ven biển; kinh tế thủy sản; phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển; khai thác các khoáng sản biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển kiểu mới.

Theo PGS.TS. Nguyễn An Thịnh, trong hơn 10 năm triển khai chiến lược kinh tế biển, tỉnh đã thành công trong việc thúc đẩy kinh tế biển, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, và đang tiếp tục nỗ lực để duy trì và phát triển những thành tựu này. Tăng trưởng kinh tế vượt dự kiến: Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt 10,16%, cao hơn so với kịch bản dự kiến. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Phát triển kinh tế biển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, với sự chú trọng vào quy hoạch du lịch và mời gọi đầu tư vào khu du lịch biển đảo. Tỉnh đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng ven biển, đặc biệt là đóng tàu đánh bắt xa bờ, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Ngành du lịch của tỉnh có bước tiến quan trọng, với sự mở rộng và hình thành sản phẩm du lịch mới ở các đảo như Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long, Cái Chiên; ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch và dịch vụ biển cao cấp, độc đáo, chất lượng cao có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế biển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh và đặt ra kế hoạch chiến lược đến năm 2030. Tầm nhìn là trở thành tỉnh hàng đầu về kinh tế biển tại Việt Nam và đạt các tiêu chí phát triển bền vững kinh tế biển. Chiến lược phát triển đồng bộ các ngành kinh tế biển, ưu tiên các lĩnh vực như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, xây dựng khu kinh tế ven biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, công nghiệp ven biển thân thiện môi trường, năng lượng tái tạo, và các ngành kinh tế biển mới. 

Huệ Anh