Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới dài cả trên bộ và trên biển nên các đối tượng tội phạm thường lợi dụng làm địa bàn trung chuyển để thực hiện hành vi đưa hoặc lừa bán người sang Trung Quốc. Chính vì vậy, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm phòng, chống mua bán người, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em.

Tỉnh Quảng Ninh xác định đây là giải pháp cốt lõi, đẩy lùi tệ nạn mua bán người. Do đó, các cơ quan, ban ngành, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp thực trạng nạn mua bán người và các thủ đoạn tinh vi của tội phạm để người dân nêu cao cảnh giác…

Lực lượng biên phòng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người.

Ngày 25/7/2023, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Tuyên truyền hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô.

Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Phòng Chính trị và Phòng Phòng chống ma tuý và tội phạm đã tuyên truyền đến nhân dân xã Thanh Lân các văn bản pháp luật về phòng chống mua bán người, tội danh và mức hình phạt về mua bán người quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015; chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn của tội phạm; kỹ năng phòng ngừa phát hiện… để người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán người, lực lượng biên phòng, đặc biệt là các đơn vị biên phòng tuyến biên giới đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ nội, ngoại biên, chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán người qua biên giới. Duy trì và phát huy hiệu quả các hộp thư tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật tại các thôn, ấp trên địa bàn khu vực biên giới. Thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép.

Theo đó, từ ngày 01/01/2012 đến ngày 15/02/2023, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước giải cứu, tiếp nhận tổng số 1.742 nạn nhân. Trong đó, giải cứu 836 nạn nhân, tiếp nhận do nước ngoài trao trả 617 nạn nhân, tiếp nhận 243 nạn nhân tự trở về; sàng lọc công dân do nước ngoài trao trả phát hiện 46 nạn nhân.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã tiếp nhận xử lý 371 nguồn tin liên quan đến tội phạm mua bán người. Tất cả các thông tin đều được điều tra, xác minh hoặc chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2019 đến tháng 3/2023, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã xây dựng 221 kế hoạch nghiệp vụ, chủ trì xác lập 51 chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán người, phối hợp với lực lượng công an đấu tranh 04 chuyên án mua bán người .

Đã bắt giữ, khởi tố, điều tra 46 vụ/93 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 111 nạn nhân trong các chuyên án, vụ án (trong đó có nhiều trường hợp là trẻ sơ sinh từ 1 - 30 ngày tuổi) và chuyển giao cho cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục thụ lý điều tra theo quy định.

Bộ đội Biên phòng đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Thông qua buổi tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho các cán bộ và nhân dân xã Thanh Lân, nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh và tố giác tội phạm. Tích cực phối hợp cùng các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phòng ngừa đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người. Sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, các cơ quan chức năng có liên quan và cộng đồng sẽ từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người tại Việt Nam. 

Trước đó, đầu tháng 7/2023, tại thôn Ngàn Chuồng, xã Lục Hồn, Đoàn Thanh niên phối hợp với Công an huyện Bình Liêu tổ chức Hội nghị Tuyên truyền phòng chống ma tuý, mua bán người, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho người dân.

Tại Hôi nghị, người tham dự được phổ biến nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống mua bán người; khái niệm mua bán người và các yếu tố cấu thành tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Các hình thức, thủ đoạn và mục đích của tội phạm mua bán người. Việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người và việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán. Kỹ năng tư vấn và hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân bị mua bán…

Từ kiến thức được phổ biến, người dân có sự chuyển biến về nhận thức và hành động, tự giác đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần cùng với các lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, an toàn.

Bên cạnh chương trình tuyên truyền của các địa phương, lực lượng, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương.

Lồng ghép các thông tin về quyền của nạn nhân, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, tiếp nhận thông tin dành cho nạn nhân vào các thông điệp, tin bài, chuyên mục và tài liệu truyền thông về phòng, chống mua bán người. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng. Đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân cũng như đặc điểm của từng địa bàn.

Tổ chức phát động các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của địa phương. Đồng thời huy động các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia vào hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người.

Chủ động triển khai quy trình chuẩn về hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. 

Lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

Để hạn chế các hệ luỵ liên quan đến tội phạm mua bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. Mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Kim Chi và nhóm PV, BTV