Sáng 16/6, BHXH tỉnh Quảng Ninh phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức hội nghị phổ biến, đối thoại về Luật BHXH, BHYT. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã được truyền đạt một số điểm mới của Luật BHXH bổ sung sửa đổi về đối tượng tham gia, mức đóng, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN; quy định điều kiện hưởng, thời gian hưởng chế độ ôm đau, thai sản, hưu trí; điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền lợi của người có thẻ BHYT; thủ tục KCB BHYT; mức hưởng BHYT; một số lưu ý trong tổ chức thực hiện KCB BHYT...
BHXH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, Nghị quyết số 21-NQ/TW (ngày 22/11/2012) của Bộ Chính trị Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi cần tập trung mạnh thu hút lao động tự do tham gia BHHX tự nguyện. Bởi vậy, thời gian qua, BHXH tỉnh và các đại phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của BHXH tự nguyện với nhiều hình thức: Truyền thông, báo chí; hội thảo, hội nghị tại các xã, phường, thị trấn; phát tờ rơi đến các hộ dân...
Để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện hơn trong tiếp cận, làm các thủ tục tham gia BHXH tự nguyện, ngành BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó có thủ tục liên quan đến BHXH tự nguyện. BHXH các địa phương thường xuyên phối hợp với các điểm bưu điện văn hóa hướng dẫn thủ tục cho người dân tham gia BHXH một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất. Bưu điện tỉnh cũng giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho đại lý thu bưu điện toàn tỉnh. Với sự nỗ lực của BHXH và các, sở, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh, đến hết tháng 4/2020, toàn tỉnh đã có 9.229 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 3.003 người so với cùng kỳ năm 2019.
Thực tế cho thấy, nguồn lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh hiện nay là 645.000 người, nhưng đến thời điểm này mới có gần 243.300 người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ 36,3%. Số lao động chưa tham gia BHXH chủ yếu thuộc nhóm lao động tự do, lao động ở hộ kinh doanh, hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp... (thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện). Nhiều địa phương cũng chưa vào cuộc trong việc phối hợp vận động người tham gia BHXH tự nguyện.
Bởi vậy, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của ngành BHXH tỉnh, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc vận động lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện.
Từ đầu năm đến nay, BHXH các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức gần 20 buổi ra quân tuyên truyền cho hàng nghìn người.
Thúy Nga
Ảnh: Lan Anh