Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh chia sẻ, ở những thời điểm dịch bệnh có nhiều diễn biến nóng, công tác tuyên truyền chống dịch tại tỉnh được thực hiện tập trung, chủ động và tổng lực với nhiều hình thức. Trong đó, đặc biệt phát huy thế mạnh của các hạ tầng nền tảng CNTT và viễn thông để có thể chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

{keywords}
Ảnh minh họa. Lê Na

Sở TT&TT là đầu mối thông tin phòng chống dịch 

Theo bà Lê Ngọc Hân, thông tin, tuyên truyền được tỉnh xác định có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Do đó, truyền thông đã được đưa thêm vào trong thông điệp phòng, chống Covid-19 tại Quảng Ninh cùng với 5K, vắc-xin và công nghệ. 

Khi triển khai, có một số điểm khác biệt đó là toàn bộ công tác thông tin tuyên truyền được giao cho Sở TT&TT để thông tin được thống nhất và chủ động hơn. Cụ thể, Sở TT&TT là cơ quan đầu mối phát đi các thông điệp, diễn biến trong phòng, chống dịch cũng như công tác chỉ đạo điều hành trên địa bàn. “Đây cũng là một cách giảm tải cho lực lượng y tế đang là tuyến đầu để họ có thể tập trung vào công tác chuyên môn là phòng, chống dịch”, bà Lê Ngọc Hân cho biết. 

Trong các đợt dịch, Sở TT&TT là đầu mối cung cấp toàn bộ thông tin về phòng chống dịch cho báo chí, truyền thông cũng như các hệ thống thông tin cơ sở, kể cả những nội dung thông tin liên quan đến công tác truy vết.

Ở những thời điểm có yếu tố đặc biệt, Sở TT&TT đều sản xuất các bản tin hay nội dung thông tin nhằm cung cấp thông tin kịp thời, nhanh nhất đến báo chí và hệ thống thông tin cơ sở. 

Phát huy thế mạnh của CNTT trong tuyên truyền chống dịch 

Quảng Ninh là một trong những địa phương bị ảnh hưởng trong đợt dịch thứ 3 khi sân bay Vân Đồn và thị xã Đông Triều xuất hiện các ca bệnh mới. Ở thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp, công tác thông tin, tuyên truyền của tỉnh được thực hiện liên tục với nhiều hình thức và cho thấy hiệu quả tích cực.

Bà Lê Ngọc Hân chia sẻ: “Thay vì chỉ sử dụng các phương thức truyền thống trên báo chí in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử thì hiện nay, công tác truyền thông được sử dụng tổng lực. Trong đó, phát huy thế mạnh của các hạ tầng nền tảng CNTT và viễn thông”. 

Cụ thể, Quảng Ninh sử dụng cổng dịch vụ công để đưa thông tin phòng chống Covid -19 đến người dân, doanh nghiệp. Cổng dịch vụ công là một trong những phương thức giao tiếp với người dân, doanh nghiệp, hàng ngày có lượng truy cập lớn nên đưa thông tin nhanh chóng và sâu rộng. Đặc biệt là khi giãn cách xã hội thì người dùng càng có nhu cầu truy cập vào cổng dịch vụ công. 

Quảng Ninh cũng sử dụng các hạ tầng nền tảng của chính quyền điện tử tỉnh (được đầu tư từ năm 2014) để tiếp cận đến toàn bộ hệ thống công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Ngoài ra, toàn bộ văn bản chỉ đạo điều hành của tỉnh đều được gửi qua hệ thống email công vụ cho công chức, viên chức. Hiện nay, tỉnh vận hành thử nghiệm một ứng dụng thông minh trong hệ thống IoT, đây được xác định là một kênh truyền thông hiệu quả.

Ngoài ra, Sở TT&TT cũng sử dụng hệ thống Wi-Fi công cộng để đưa các thông điệp, nội dung cần truyền tải ngay đến người dân về phòng, chống dịch. 

“Một hệ thống nữa chúng tôi đánh giá rất hiệu quả đó là thông tin cơ sở”, Giám đốc Sở TT&TT Quảng Ninh nói.  

Không chỉ đưa nội dung văn bản theo chỉ đạo, ở các giai đoạn cao điểm như đợt dịch thứ 3, hàng ngày Sở TT&TT đều soạn bản tin đưa cho hệ thống thông tin cơ sở để truyền thông các nội dung trọng điểm và nhanh nhất đến người dân. “Như vậy là chúng ta truyền thông chủ động, có chủ đích và truyền thông các nội dung tập trung trong toàn tỉnh", bà Lê Ngọc Hân nói. 

Sử dụng và phát huy hiệu quả của mạng xã hội là hình thức được tỉnh triển khai nhằm đưa thông tin đến người dân một cách nhanh chóng. Tại Quảng Ninh, hầu hết các sở, ngành đều có trang Fanpage; toàn bộ thông tin về công tác phòng chống dịch được tập trung đưa lên các kênh này hay nền tảng Zalo trên trang Chính quyền điện tử của tỉnh để cập nhật tin tức hàng ngày.

Thu Hà