Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã giúp diện mạo các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thay đổi một cách rõ nét. Điều đáng quan tâm là các địa phương không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và địa phương được giữ gìn và phát huy. Điều này góp phần xây dựng những vùng nông thôn hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm 2015, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. UBND xã luôn xác định nông thôn mới là một chương trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, do vậy, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Phước, đến năm 2023, địa phương đã về đích Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Triệu Phước khẳng định, hơn 1 thập kỷ địa phương triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã Triệu Phước đã có sự đổi thay lớn với cơ sở hạ tầng từng bước hoàn thiện, cuộc sống của người dân được nâng lên. Dẫu vậy, nét văn hóa quê hương vẫn được lưu giữ, phát huy.

Ảnh màn hình 2024 07 11 lúc 13.06.00.png
Các địa phương chú trọng xây dựng vùng nông thôn hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo đó, bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới được người dân thể hiện rõ qua việc tuân thủ, tôn trọng quy ước khu dân cư văn hóa. Cùng với đó, người dân còn hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Việc tổ chức đám cưới, đám tang được thực hiện phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của địa phương, đảm bảo tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.

Các lễ hội văn hóa được địa phương chú trọng giữ gìn và phát huy, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc văn hóa. Hiện xã có 6 thôn với 13 làng đều có nhà văn hóa; 6/6 thôn được công nhận đơn vị văn hóa. 

Thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã triển khai các phong trào, cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”...

Ảnh màn hình 2024 07 11 lúc 13.06.56.png
Quảng Trị: Giữ nét văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới. 

Quá trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra động lực và môi trường thuận lợi cho việc phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó tạo nên bản sắc trong nông thôn mới ở từng địa phương.

Để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và tổ chức hoạt động của trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng làng, bản. Đồng thời, luôn quan tâm đến việc giữ gìn và phát huy nét đặc sắc văn hóa của địa phương; tuyên truyền về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong giai đoạn mở cửa hội nhập. Hướng dẫn các địa phương quy hoạch quỹ đất dành cho các thiết chế văn hóa, thể thao trên cơ sở các quy hoạch đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, đưa các tiêu chí văn hóa, khuyến học vào nội dung của hương ước, quy ước các làng, bản. Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Thực hiện việc phục dựng và phát triển các làn điệu dân ca, các lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như: lễ hội Arieuping, lễ hội mừng lúa mới...

Tiếp tục có chính sách đầu tư, nâng cấp các nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi, giải trí phù hợp gắn với nghiên cứu đưa các nội dung bảo tồn văn hoá, văn nghệ dân gian vào các hoạt động của nhà văn hóa để thu hút người dân tham gia.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 95% gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 96,8% làng, bản, khu phố đạt chuẩn văn hóa; 98/125 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn, đạt 78,4%; 772/800 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao, đạt 96,5%; trong đó, 454/772 thôn, làng, bản, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn, đạt 58,8%.

Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, nhiều nét đẹp trong văn hóa lao động, sản xuất đã hình thành. Các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển. Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp được khơi dậy và gìn giữ, phát huy; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện tốt hơn. Các di tích lịch sử văn hóa cách mạng được đầu tư, tu bổ, tôn tạo, các giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương được lưu giữ.

Mục tiêu xuyên suốt trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Do đó, để phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến căn bản về tầm quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới.