Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2023 đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkông. 

anh 14s.jpg
Vùng ven biển sẽ là vùng trọng điểm phát triển các đô thị du lịch, khu du lịch tổng hợp ven biển.

Theo đó, nhiều mục tiêu về phát triển kinh tế biển được đặt ra trong quy hoạch này. Cụ thể, với vùng ven biển sẽ là vùng trọng điểm phát triển các đô thị du lịch, khu du lịch tổng hợp ven biển, kết nối với đảo Cồn Cỏ; hình thành các tổ hợp nuôi trồng, chế biến thủy sản hiện đại, thân thiện môi trường; phát triển các tổ hợp công nghiệp sạch kết hợp với dịch vụ và đô thị, dân cư; duy trì, phục hồi và mở rộng dải rừng phòng hộ ven biển, phục hồi môi trường vùng rừng sinh thái vùng cát; phát triển Khu kinh tế Đông Nam là khu kinh tế biển tổng hợp, trọng tâm là công nghiệp năng lượng, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế ven biển, logistic; xây dựng sân bay tại Gio Linh và cảng biển tại Mỹ Thủy.

Vùng trũng nằm giữa vùng ven biển và vùng đồng bằng cao sẽ là tiểu vùng phụ trợ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao; nâng cấp hạ tầng và chất lượng môi trường sống của các khu dân cư hiện hữu, tăng cường kết nối với vùng trung tâm; phát triển du lịch sinh thái; phục hồi môi trường và chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với nước và biến đổi khí hậu.

Đối với các hành lang phát triển, trong đó hành lang phát triển ven biển, trọng tâm là khu công nghiệp khí, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ logistic, đô thị du lịch sinh thái biển và sinh thái vùng cát ven biển gắn với phục hồi hệ sinh thái.

Hành lang phát triển Đông - Tây dọc theo quốc lộ 9 khai thác tiềm năng và lợi thế của hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Lao Bảo - Đông Hà - Cửa Việt, phát triển logistic, thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống của dân cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hành lang phát triển Đông - Tây dọc theo quốc lộ 15D khai thác tiềm năng và lợi thế của hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Quốc tế La Lay - Cảng Mỹ Thủy, phát triển logistic, thương mại, dịch vụ, du lịch, nâng cao chất lượng môi trường sống của dân cư, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cộng đồng và du lịch sinh thái, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát huy tiềm năng kinh tế biển gắn với cảng biển quốc tế.

Về du lịch, quy hoạch đặt mục tiêu phát huy lợi thế về biển đảo, sinh thái, văn hóa, tín ngưỡng... và kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung, cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế; phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là phát triển tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng tại khu vực ven biển, ven các hồ và tại vùng núi phía Tây.

Quảng Trị là tỉnh có bờ biển dài 75 km với ngư trường rộng hơn 9.000 km2 , có trữ lượng hải sản tương đối lớn. Hiện nay đã hình thành Khu kinh tế Đông Nam để khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng biển. Vùng ven biển của tỉnh còn có điều kiện để phát triển cảng biển, các cơ sở công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu thuyền.

Dọc theo bờ biển còn có nhiều bãi biển đẹp như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải, Mỹ Thủy và có đảo Cồn Cỏ nằm cách đất liền 18 hải lý đã trở thành các điểm du lịch biển, đảo mới thu hút khách du lịch. Trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng ven biển đã phát triển mạnh nghề nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đưa ra nhiều giải pháp, thể hiện quyết tâm trở thành địa phương mạnh về biển, dựa vào biển và giàu lên từ biển; vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, chủ quyền quốc gia. Và trong các giải pháp, quan điểm trọng tâm, chủ yếu được Quảng Trị xác định là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế biển.