Chìa khóa cho sự trẻ hóa của các tập đoàn, sự tiến hóa của những nền văn minh, và phát triển con người có thể tóm lược ở hai chữ: Đổi mới.

Tác giả bài viết dưới đây,  ông Mohammed bin Rashid Al Maktoum là Phó Tổng thống, Thủ tướng của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, và là Thống đốc Dubai.

Các công ty, cũng như con người, đều già đi. Chúng khởi đầu với quy mô nhỏ và muốn sống sót phải được tiếp sức bởi nguồn năng lượng tuổi trẻ và những ý tưởng mới lạ. Chúng cạnh tranh, mở rộng, trưởng thành, và – trừ một vài ngoại lệ – đều lùi vào lãng quên. Điều này cũng đúng với các chính phủ: Họ cũng có thể dần đánh mất sự khao khát và tham vọng của tuổi trẻ bằng việc tự hài lòng với chính mình.

Hãy suy nghĩ về việc này: Chỉ 11% những công ty trong danh sách Fortune 500 của năm 1955 vẫn còn tồn tại ngày nay. Thời gian trung bình mà các công ty nằm trong danh sách top 500 đã giảm từ 75 xuống 15 năm. Trong thời đại đầy biến đổi này, ai tụt hậu sẽ bị gạt sang một bên – chỉ trong chốc lát. Những quốc gia mà chính phủ trở nên già cỗi phải chung số phận với những công ty già cỗi. Lựa chọn là: đổi mới hay thụt lùi.

Cuộc chạy đua sức cạnh tranh giữa các quốc gia cũng khốc liệt như cuộc cạnh tranh giữa những công ty trên thị trường. Các quốc gia cạnh tranh về nguồn vốn đầu tư, nhân sự tài năng, mức tăng trưởng và cơ hội trong một thế giới toàn cầu hóa. Những quốc gia bị đẩy ra khỏi cuộc chơi phải từ bỏ những phần thưởng lớn nhất: Sự phát triển về con người, sự thịnh vượng, và hạnh phúc cho người dân.

{keywords}
Các nước thuộc nhóm BRICS. Ảnh: RIA Novosti
Để tránh viễn cảnh này, các chính phủ phải tập trung vào điều quan trọng: Làm thế nào để trở thành số 11% những công ty đã lưu lại trong danh sách top 500 qua hàng thập kỷ. Vòng đời của các công ty có thể dạy cho các chính phủ rằng bí quyết để sự trẻ trung vĩnh viễn là không ngừng đổi mới – tóm lấy cơ hội.

Chìa khóa cho sự trẻ hóa của các tập đoàn, sự tiến hóa của những nền văn minh, và phát triển con người nói chung có thể tóm ở hai từ: đổi mới. Tôi luôn cảm thấy ngạc nhiên khi các chính phủ cho rằng họ là ngoại lệ của quy luật này. Sự đổi mới trong chính phủ không phải là một thứ xa xỉ của giới học giả, hay một chủ đề gói gọn trong các cuộc hội thảo, hoặc một vấn đề chỉ của cải cách hành chính. Nó là công thức cho sự sống sót và phát triển của loài người, là nhiên liệu cho sự phát triển, và bản vẽ cho sự trỗi dậy của một đất nước.

Chìa khóa đầu tiên cho sự đổi mới là tập trung vào kỹ năng. Những công ty hàng đầu liên tục đầu tư để giúp nhân viên có những kỹ năng phù hợp với thị trường. Các chính phủ phải làm điều tương tự, bằng cách liên tục nâng cấp kỹ năng và nuôi dưỡng đổi mới – đối với những nhân viên của họ, trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế và hệ thống giáo dục.

Một nghiên cứu của Bộ Lao động của Hoa Kỳ chỉ ra rằng 65% trẻ em đang học tại trường tiểu học sẽ lớn lên và làm những công việc không tồn tại ngày nay. Một nghiên cứu khác của đại học Oxford chỉ ra rằng 47% công việc đang có nguy cơ ngừng tồn tại cao bởi chúng có thể được thực hiện tự động thông qua công nghệ.

Làm sao chúng ta có thể trang bị cho quốc gia của chúng ta để cạnh tranh, không chỉ trong hiện tại, mà còn trong những thập niên sắp tới? Câu trả lời nằm ở việc rèn luyện tính sáng tạo của trẻ em và cung cấp cho các em những kỹ năng phân tích và giao tiếp cần thiết để làm việc hiệu quả.

Chìa khóa thứ hai để biến các chính phủ thành những động cơ cho sự đổi mới là thay đổi cán cân đầu tư sang những tài sản vô hình, như trong khu vực tư nhân. Bốn mươi năm trước, 80% giá trị của chỉ số Standard&Poor’s 500 bao gồm những tài sản hữu hình. Ngày nay tỷ lệ đó được đảo ngược: hơn 80% giá trị của những công ty lớn nhất là những tài sản vô hình – kiến thức và kỹ năng của những người lao động và quyền sở hữu trí tuệ trong những sản phẩm của họ.

Các chính phủ cũng nên có chiến lược thay đổi chi tiêu rời xa những cơ sở hạ tầng hữu hình như đường và các công trình, sang những tài sản vô hình như giáo dục và nghiên cứu và phát triển.

Việc Hoa Kỳ và Châu Âu đã chi tới hơn 250 tỉ đô la công quỹ hàng năm cho nghiên cứu và phát triển để giữ vị trí dẫn đầu không phải là bí mật. Cũng như vậy, chìa khóa của sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia như Singapore, Malaysia và Hàn Quốc chính là quyết định chiến lược của họ trong việc chuyển chi tiêu công từ cơ sở hạ tầng “cứng” sang cơ sở hạ tầng “mềm” cần thiết để xây dựng và duy trì một nền kinh tế tri thức. Cũng như vậy, Chính phủ Anh chi ngân sách vào tài sản vô hình nhiều hơn hẳn vào tài sản hữu hình.

Phần lớn những công ty thức thời ngày nay được biết đến bởi văn hóa doanh nghiệp mang tính đổi mới và môi trường làm việc tiếp cảm hứng và năng lượng cho nhân viên. Những chính phủ nào tiêu biểu cho sự đổi mới sẽ có sức mạnh để xây dựng một nền văn hóa sáng tạo trên cả nước. Khi văn hóa đó thấm sâu vào xã hội, mọi người sẽ có cảm hứng để theo đuổi những ý tưởng của họ, đặt tham vọng của họ cao hơn, và theo đuổi những giấc mơ lớn hơn. Đó là cách các quốc gia khuyến khích sự đổi mới đi đầu – và tiếp tục đi đầu.

Để duy trì sự đổi mới, các doanh nghiệp cần thu hút và giữ lại những bộ óc sáng tạo và có hiệu quả nhất. Trong thời đại tự do di chuyển toàn cầu này, các quốc gia còn đối đầu nhau trong cuộc chiến giành tài năng. Các thành phố trên thế giới cạnh tranh để tạo ra một cuộc sống lý tưởng và môi trường làm việc cho những nhà đổi mới, và để sử dụng sự sáng tạo của họ nhằm trở nên mạnh hơn và có sức cạnh tranh lớn hơn.

Các chính phủ cũng làm điều tương tự trên bình diện quốc gia. Họ thu hút các tài năng, hoạt động hiệu quả, và liên tục nâng cấp bộ máy và các dịch vụ. Họ tiếp sức cho người dân để nuôi dưỡng năng lượng tập thể và phát triển tiềm năng của dân chúng. Điều đó lại trở thành những động cơ cho sự phát triển và tiến bộ trên vũ đài quốc tế của đất nước. Trên hết, các chính phủ này coi trọng khối óc của con người và giúp mọi người trở thành những người bảo vệ và xây dựng tốt hơn cho hành tinh này.

Đối với các chính phủ, đổi mới là một câu hỏi sống còn. Chỉ có những quốc gia nào duy trì sự đổi mới mới có thể thúc đẩy thay đổi thế giới này, bới vì họ là những chính phủ không bao giờ già cỗi.

Nguồn: Mohammed bin Rashid Al Maktoum, “Renovate or Stagnate”, Project Syndicate, 04/02/2015.

Biên dịch: Vũ Trọng Bằng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Theo website nghiencuuquocte.net