Từ hôm nay (27/10) đến hết ngày 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến năm 2023, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023...

Tại Phiên họp này, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

VietNamNet tường thuật nội dung Phiên họp:

XEM CLIP:

ĐB Nguyễn Hữu Thông tranh luận với ĐB Tạ Văn Hạ:

ĐB Tô Văn Tám và ĐB Thái Thu Xương:

27/10/2022 | 11:24

11h24:

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng nay (27/10), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, buổi sáng có 25 đại biểu phát biểu, 4 đại biểu tranh luận, 118 đại biểu chờ phát biểu trong danh sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị trong phiên thảo luận chiều cùng ngày, các đại biểu phát biểu thêm về các nội dung chưa có đại biểu phát biểu trong buổi sáng.

Mời quý độc giả xem thêm:

Thu gọn
27/10/2022 | 11:02

11h02: Lãng phí đất đai là thực trạng nhức nhối

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) phản ánh về thực trạng hiệu quả sử dụng đất đai ở nước ta chưa cao, dẫn đến lãng phí.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Đại biểu Mai cho biết, khác với rất nhiều quốc gia trên thế giới có sở hữu tư nhân về đất đai, thể chế của Việt Nam có đặc thù nhất định. Hiến pháp đã khẳng định rất rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Theo đại biểu, đó là quan điểm đúng đắn và cũng là con đường mà chúng ta đã kiên định lựa chọn.

Như vậy, một quyền lực rất lớn được trao gửi cho bộ máy nhà nước là làm sao để sử dụng đất đai cho hiệu quả, tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đó là trách nhiệm cao cả và Hiến pháp đã trao cho cơ quan công quyền.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, thực tế thời gian qua trong lĩnh vực quản lý đất đai, bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được, chúng ta cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức, hiệu quả sử dụng đất đai chưa cao trong giai đoạn vừa qua. Lãng phí đất đai là một trong những thực trạng đáng nhức nhối, nhiều khu đất đang để hoang hóa, sử dụng sai mục đích… Do vậy, theo bà Mai chúng ta cần xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ trong quản lý đất đai.

Thu gọn
27/10/2022 | 10:55

10h55: Nên ưu đãi nông nghiệp

ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, gặp nhiều khó khăn, thách thức như thiếu hụt lao động trong một số ngành, nhất là lao động chất lượng cao. Thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong khi đó, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Đặc biệt là tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa được xử lý hiệu quả.

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, qua các giai đoạn khó khăn, khủng hoảng kinh tế càng trân trọng hơn sự đóng góp to lớn của ngành nông nghiệp. Bởi, Việt Nam ít bị ảnh hưởng là do ngoài các yếu tố điều hành linh hoạt, thích ứng của Chính phủ và các yếu tố khác thì không thể không nhìn nhận vai trò to lớn quyết định của ngành nông nghiệp trong ổn định kinh tế - xã hội. Tuy có vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, nhưng các biến đổi về kinh tế luôn làm ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Theo đó, chi phí đầu vào của ngành luôn biến động ở mức cao như phân bón, vật tư nông nghiệp, vật tư nuôi trồng thủy sản, thức ăn chăn nuôi. Trong khi nhu cầu về vật tư nông nghiệp ngày càng cao do phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối lập với các yếu tố đầu vào tăng cao, giá cả đầu ra luôn ở mức thấp do điều kiện kinh tế khó khăn, người tiêu dùng tiết kiệm, chi thắt chặt chi phí. Sự đối lập này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất của ngành nông nghiệp.

Do hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí là lỗ nên đời sống của người dân gắn với sản xuất nông nghiệp bấp bênh, gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hận kiến nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Qua đó tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cạnh tranh về giá, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm để từ đó tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Thu gọn
27/10/2022 | 10:30

10h24: Tán thành với kiến nghị cải thiện chế độ, chính sách nhân viên ngành y

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) dành thời gian phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên ngành y tế chuyển viện, nghỉ việc, trong đó là do thu nhập thấp. Đại biểu tán thành với nguyên nhân này và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, chuyển viện.

Tuy nhiên, theo đại biểu đoàn Bắc Kạn, bên cạnh nguyên nhân thu nhập thấp, còn có nguyên nhân do áp lực công việc và môi trường công tác. Cụ thể, hiện nay, hầu hết các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải. Đại biểu Thuỷ lấy ví dụ Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 9.000 người đến khám và có 4.000 bệnh nhân đang điều trị.

Theo đại biểu Thuỷ, nhiều bệnh viện, y bác sĩ phải có mặt từ 6h sáng để thăm khám cho bệnh nhân. Mỗi ngày, mỗi bác sĩ phải thăm khám cho vài chục bệnh nhân, thậm chí cả trăm bệnh nhân nên rất áp lực.

“Nhiều bác sĩ cho biết, do thường xuyên làm việc quá tải cho nên chỉ đủ sức để quan tâm đến căn bệnh chứ chưa phải là người bệnh. Trong khi các bác sĩ cần phải có thời gian để lắng nghe và tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng của từng bệnh nhân”, đại biểu Thuỷ chia sẻ.

Theo đại biểu Thuỷ, khi dịch bệnh ập đến, vất vả nhất là nhân viên các trạm y tế xã phường, vốn đã ít người vừa phải toả đi khắp nơi để lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0 và tiêm vắc xin. Trong khi đó, lương tháng của các y bác sĩ này chỉ khoảng 5 triệu đồng.

Đại biểu đoàn Bắc Kạn cho rằng, môi trường làm việc cũng chưa tạo điều kiện cho nhân viên y tế cống hiến hết mình. Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của y bác sĩ.

Theo bà Thuỷ, việc dịch chuyển nhân lực là điều bình thường với bất kỳ ngành nghề nào. Tuy nhiên, việc dịch chuyển nhân lực với số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại như trong ngành y tế trong thời gian vừa qua thì rất cần đánh giá đúng nguyên nhân và có những giải pháp căn cơ.

“Sẽ thật khó để nuôi những đam mê khi áp lực công việc thì rất cao, nhưng thu nhập thì không đủ trang trải chi phí cần thiết của cuộc sống. Ngoài ra phải đối diện với nhiều áp lực khác trong môi trường làm việc”, đại biểu đoàn Bắc Kạn nói.

Vì vậy, bà Thuỷ tán thành với kiến nghị của các đại biểu trước về việc cải thiện chế độ, chính sách nhân viên ngành y cho phù hợp với đặc thù công việc. Ngoài ra, đại biểu kiến nghị Chính phủ cải thiện môi trường làm việc của ngành y và có những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh ngành công nghiệp dược, sản xuất vắc xin.

Thu gọn
27/10/2022 | 10:24

10h24: Sớm triển khai cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt về lương

ĐB Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) nêu đánh giá của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay về công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn nhiều thách thức; đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn; tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, người lao động còn rất thấp.

Từ thực tiễn trên, đại biểu đoàn Vĩnh Long đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian sớm nhất. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sớm triển khai cơ chế, chính sách đãi ngộ đặc biệt về lương, thưởng, quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức có kiến thức, chuyên môn, năng lực giỏi. Từ đó, có thể thu hút, giữ chân đội ngũ cán bộ có tâm, có tài phục vụ cho sự phát triển và hội nhập kinh tế của đất nước.

Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục duy trì, mở rộng chính sách thụ hưởng các gói an sinh xã hội cho các nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính và cụ thể hoá các tiêu chí xác định đối tượng hưởng trợ cấp.

Thu gọn
27/10/2022 | 10:10

10h10: Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập

ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) cho hay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến mới, nhanh, phức tạp, khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng trưởng kinh tế có sự phục hồi tích cực, ổn định vĩ mô được duy trì, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo.

Về vấn đề cụ thể, đại biểu đánh giá cao những nỗ lực, tâm huyết và thành quả mà Chính phủ và ngành giáo dục đào tạo đã đạt được trong triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Một năm đầy khó khăn, thách thức nhưng công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt; chuyển đổi kế hoạch học tập, giảng dạy phù hợp với thực tiễn, mở cửa trường đại học kịp thời, vừa đảm bảo an toàn, phòng chống dịch, vừa duy trì bảo đảm chất lượng giáo dục.

Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội nghị Văn hóa học đường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị đẩy mạnh văn hóa học đường nhằm đẩy mạnh việc xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi nhà trường là rất kịp thời và có ý nghĩa tiên phong trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hóa và tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm; việc Chính phủ ban hành Nghị định 105 về chính sách phát triển giáo dục mầm non cũng là một nỗ lực. Chất lượng giáo dục phổ thông cả về đại trà và mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận và xếp thứ hạng cao; tự chủ đại học và đổi mới quản trị hệ thống giáo dục đại học được đẩy mạnh, chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được cải thiện.

Tuy nhiên, một số chính sách lớn, văn bản quan trọng như Chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 chưa được ban hành. Qua giám sát và tiếp xúc cử tri, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập. Đặc biệt, tình trạng thiếu nguồn lực thực hiện, thiếu trường, thiếu phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học. Ngân sách nhà nước mới chủ yếu để chi lương, chi cho hoạt động giáo dục còn thấp, nhiều cơ sở giáo dục chỉ đạt khoảng 10%.

Khó khăn hơn cả là ngành giáo dục đang thiếu gần 95.000 giáo viên phổ thông và mầm non; một số môn học theo chương trình mới không tuyển được giáo viên. Tình trạng giáo viên nghỉ việc và chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19; đời sống của một bộ phận giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu cho rằng cần phải có đánh giá và điều chỉnh chính sách về vấn đề này.

Thu gọn
27/10/2022 | 10:02

10h02:

ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, Ngân sách nhà nước năm 2022 dự kiến kế hoạch phát triển KTXH, ngân sách nhà nước năm 2023.

Năm 2022, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để vừa phục hồi, phát triển KTXH của đất nước, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động khó lường.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân và sự nỗ lực hỗ trợ, ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình KTXH 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Thu gọn
27/10/2022 | 09:59

9h59: Tăng lương cơ sở là thấu tình, đạt lý, kiến nghị thực hiện từ 1/1/2023

ĐB Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) phản ánh ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận. Lần tăng lương cơ sở gần nhất là tháng 1/2019, từ đó đến nay vẫn giữ nguyên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Cử tri nhân dân và những người làm công ăn lương thấu hiểu gánh nặng ngân sách không thể gồng gánh khoản chi phí khổng lồ cho khoản tăng lương.

Do vậy, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ, ước tính để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở khoản chi mà Chính phủ phải cân đối dành tới 44.000 tỷ đồng. Việc điều chỉnh tăng mức lên cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng.

Từ những kiến nghị của cử tri, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định sáu tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023. Chắc chắn rằng đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch.

Lương cơ sở tăng có giữ chân được công chức, viên chức trong khu vực công hay không?. Nhiều ý kiến cho rằng lương tăng là tín hiệu đáng mừng nhưng không phải là giải pháp dài hơi mà cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Nếu năm 2023 phát triển KTXH tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định bền vững không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như ba năm vừa qua thì có thể triển khai chính sách cải cách tiền lương và đây là thông tin mà cử tri đang đặc biệt quan tâm. Mức lương cơ sở tăng như phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội là rất quý ở thời điểm hiện tại nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và tư, giữa khu vực nhà nước và ngoài thị trường.

2,5 năm qua đã có 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc; trong ngành giáo dục hơn 16.000 người, y tế là hơn 12.000 người. Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm. Trong xã hội Việt Nam không có nhiều nghề được xã hội gọi là thầy vậy mà số lượng thầy giáo, thầy thuốc chuyển việc, nghỉ việc lại có số lượng rất lớn. Ta thấy được điều gì?

Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang tư.

Lương đủ sống cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị tiền lương mà họ được trả, và cử tri rất mong chờ điều đó được trả thông qua cải cách tiền lương. Hiện nay, cử tri đang rất lo lắng khi lương chưa tăng, chỉ mới rục rịch tăng thì giá cả đã nhanh chân chạy trước rồi. Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với thị trường

Thu gọn
27/10/2022 | 09:51

9h51: Giải pháp căn cơ để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đồng tình với báo cáo của Chính phủ, vui mừng trước những thông tin tích cực trong 10 tháng qua đặc biệt khi bối cảnh thế giới không thuận lợi, có nhiều biến động nhanh, khó lường. Cú sốc khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực từ tác động tiêu cực xung đột Nga-Ukraine đã thổi bùng lên cơn sóng lạm phát trên toàn thế giới. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tăng từ 4,7% lên 8,8% năm 2022. Khi lạm phát tăng cao buộc các nước phải “uống liều thuốc đắng” tăng lãi suất điều hành, có hơn 90 ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng.

Ông Ngân cho rằng, nêu những kết quả tiêu cực để thấy kết quả nước ta đạt được trong thời gian vừa qua là hết sức trân quý. Tăng trưởng kinh tế cao, đảm bảo công tác vĩ mô, công tác hoàn thiện thể chế ngày càng được tăng cường, đảm bảo cân đối lớn nền kinh tế; thặng dư, xuất siêu, nợ công, nợ Chính phủ, nước ngoài được đảm bảo. Quốc phòng an ninh được tăng cường, độc lập chủ quyền được giữ vững, góp phần củng cố, nâng cao uy tín vị thế của nước ta.

Chính phủ cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn, thách thức. Cơ cấu lại sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu. Theo ông trong thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước; xử lý nhanh các doanh nghiệp kém hiệu quả; phát huy vai trò các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước hướng đến các công trình dự án lớn mang tầm quốc gia.

Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, thuế và phí. Khi triển khai Nghị quyết 43 có gói triển khai thuận lợi có gói không thuận lợi. Cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cho đến giờ mới giải ngân được 12,8 tỷ so với kế hoạch 40.000 tỷ (đạt 0,03%). Tuy nhiên, gói hỗ trợ triển khai miễn giảm thuế triển khai thuận lợi hơn đến nay đạt 72,5% so với kế hoạch. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp.

Thu hút vốn đầu tư tuy tăng nhưng vẫn khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Vì vậy, cần thận trọng trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng an ninh quốc gia, môi trường. Cần sớm ban hành luật công nghệ hỗ trợ để tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa đối với sản phẩm từ khu vực FDI cũng như các mặt hàng xuất khẩu.

Đời sống một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó cần tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đến thu nhập cán bộ ngành y, ngành giáo dục.

Thị trường xăng dầu bị đứt gãy cung ứng, Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc nhưng chúng ta cần sớm khắc phục, rút kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiệu bị y tế cần có giải pháp cấp bách, quyết liệt. Kiến nghị trong khi chờ đợi các luật ban hành đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội những giải pháp cấp bách, đưa vào Nghị quyết cuối kỳ họp này. Bảo vệ sức khỏe nhân dân là trên hết và trước hết.

Giá cả xăng dầu có thể diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho UB Thường vụ cắt giảm các loại thuế phí liên quan đến xăng dầu như thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát nhanh nhạy nhất.

Về kế hoạch KTXH, ĐB đồng tình với các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. ĐB chia sẻ với Chính phủ khi điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới bất ổn, bất định và bất thường. ĐB lưu ý thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt chứ không phải thắt chặt; định hướng dòng vốn ưu tiên cho sản xuất kinh doanh và các dự án đã triển khai; chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tiết kiệm chi thường xuyên….

Thu gọn
27/10/2022 | 09:28

9h28:

Quốc hội nghỉ giải lao.

Mời quý độc giả xem thêm các nội dung thảo luận:

Thu gọn
27/10/2022 | 09:22

9h22: Cháy gây thiệt hại nghiêm trọng có quy trách nhiệm cho lực lượng chuyên trách?

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, vấn đề phòng chống ngập lụt hiện nay còn nhiều việc phải bàn. Việc lũ lụt miền Trung, sạt lở, lũ quét vùng miền núi, xói lở vùng biển thì đã đành, nhưng gần đây, những thành phố lớn, được đầu tư hệ thống thoát nước hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập úng.

Theo đại biểu, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đầu tư rất nhiều cho hạ tầng kỹ thuật. Nhưng điều đó dường như chưa đủ trước hình thái biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị. Ảnh: QH

Đại biểu cho rằng, trong thiết kế kỹ thuật mỗi công trình, hạ tầng thiết kế đô thị, chúng ta đã quá ít chú trọng đến hạ tầng cho thoát nước, thoát lũ hoặc vì lợi ích trước mặt mà bỏ qua những hệ lụy có thể mang đến trong dài hạn. Mỗi khu dân cư, công trình đô thị mọc lên luôn rình rập quá tải, bất cập trong thoát nước.

“Vì vậy, không lũ, không ngập úng mới là chuyện lạ! Vậy đâu là nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này?”, đại biểu nêu câu hỏi và đề nghị Chính phủ rà soát tổng thể hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngập lụt ở các khu đô thị lớn khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Tin

Đại biểu Hoàng Đức Thắng còn cho rằng, thời gian gần đây tình hình cháy nổ, hoả hoạn diễn biến phức tạp, nhất là các vụ cháy trong các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, vũ trường, karaoke… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây ám ảnh, bất an.

Theo đại biểu, cháy có thể xảy ra bất cứ đâu, vào lúc nào. Nguyên nhân của các vụ cháy, ngoài ý thức trách nhiệm của các chủ cơ sở, sự bất cẩn của người dân, do đầu tư hệ thống PCCC chất lượng kém, làm cho có để đối phó, thì trách nhiệm này còn thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chuyên trách về quản lý PCCC.

“Có hay không tiêu cực, xuê xoa trong kiểm tra, thanh tra, cấp phép an toàn về phòng cháy. Truy cứu trách nhiệm chủ cơ sở để xảy ra cháy nổ là đúng, vậy phải xem xét trách nhiệm quản lý như thế nào? Với hỏa hoạn có làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý nhà nước về PCCC không?”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói.

Đại biểu đoàn Quảng Trị đề nghị Chính phủ báo cáo, giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm, quyết tâm và giải pháp nhằm đẩy lùi sự gia tăng, nâng cao năng lực phòng cháy, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc thực hiện kết luận chuyên đề của Quốc hội khoá 14 về công tác PCCC.

Thu gọn
27/10/2022 | 08:50

8h50: Kinh tế số là hướng phát triển tất yếu của quốc gia

ĐB Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) tham gia ý kiến về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất mạnh mẽ. Theo đại biểu, xu thế kinh tế số là hướng phát triển tất yếu đối với kinh tế quốc gia, là cơ hội giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách đối với các quốc gia khác.

Đại biểu cho biết, quy mô kinh tế số của Việt Nam năm 2021 ước đạt khoảng 21 tỷ đô la, đóng góp khoảng 6% GDP, xếp thứ 3 trong 6 thị thường lớn nhất của ASEAN và 14/50 của châu Á. Việt Nam thuộc tốp đầu của thế giới sở hữu tiền kỹ thuật số. Thanh toán điện tử bùng nổ, tăng 3000% về giá trị so với năm 2016…

ĐB Lê Hoàng Hải, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu đoàn Đồng Nai đánh giá cao việc Chính phủ ban hành kịp thời, cũng như thống nhất với quan điểm, định hướng chiến lược của Chính phủ trong quyết định 411 về chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030.

Tuy nhiên, theo đại biểu, mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 với tỷ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GDP là những mục tiêu rất thách thức. Đại biểu cũng cho rằng, câu chuyện chuyển đổi số ở Việt Nam cũng đang đối diện với không ít thách thức về thể chế, về đo lường quy mô kinh tế số; vấn đề về dữ liệu lớn, chuyển dữ liệu xuyên biên giới và chất lượng nguồn nhân lực.

Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ ngành hoàn thiện thể chế kinh tế số, đặc biệt là sớm ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ban hành Luật Giao dịch điện tử sửa đổi. Đại biểu cũng đề nghị xây dựng khung pháp lý có kiểm soát để hỗ trợ, thúc đẩy, đổi mới, sáng tạo mô hình kinh doanh số, tài sản số, bất động sản số. Đồng thời xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số theo tiêu chuẩn quốc tế…

Thu gọn
27/10/2022 | 08:42

8h42: Thủ tướng rất quyết liệt nhưng dưới lại cầm chừng

ĐB Tạ Văn Hạ tranh luận với ĐB Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) phát biểu trước đó.

XEM VIDEO:

ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đồng tình với phát biểu của ĐB Thông về những hạn chế việc cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh ảnh hưởng rất lớn đến triển khai nhiệm vụ. Tuy nhiên, ĐB Thông cho rằng, nếu chỉ do vướng mắc chính sách, pháp luật là chưa đúng bởi theo ông qua nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân chính là do con người, do công tác tổ chức thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Qua tiếp xúc cử tri, nhận thấy 3 thành phần đối với cán bộ còn hạn chế về năng lực, vẫn còn tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ. Còn đối với một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế, tuy không tất cả nhưng còn tình trạng nghe ngóng, né tránh. Ngoài ra, còn đối tượng cán bộ là đã làm ẩu, thiếu trách nhiệm. Ông dẫn chứng khi thực hiện Luật Đất đai, Luật Đấu thầu năm 2013 suốt quá trình đấy không vướng mắc. Một số người trả lời rất thẳng thắn đó là không dám làm, không muốn làm, làm ẩu, làm thiếu trách nhiệm cho nên bây giờ làm đúng như vậy thì sẽ phát sinh ra những vấn đề trước đây đã làm cho nên bây giờ làm cầm chừng, hạn chế.

ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Vì vậy, Chính phủ phải có giải pháp quyết liệt, chấn chỉnh lại trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý. Thủ tướng rất quyết liệt triển khai, họp ngày, họp đêm trong khi ở dưới vẫn tư tưởng này để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân.

Thu gọn
27/10/2022 | 08:37

8h37: Đề xuất các giải pháp xử lý tình trạng nhiều công chức, viên chức nghỉ việc

XEM VIDEO:

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 là một báo cáo đầy đủ, dày dặn, thẳng thắn và không né tránh.

Báo cáo đã thể hiện 12 thành quả nổi bật, chỉ ra 10 hạn chế, khó khăn, 6 bài học kinh nghiệm, 11 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 và 12 giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH năm 2023. Điểm sáng đáng lưu ý, tăng trưởng kinh tế đạt 8% vượt mục tiêu đề ra, 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt. Kiểm soát được lạm phát, giảm nghèo được quốc tế đánh giá cao. Chính trị xã hội được ổn định. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính vẫn được coi là đột phá chiến lược quan trọng.

ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum)

Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi KTXH. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 triển khai Nghị quyết 43 và 17 văn bản quy phạm pháp luật khác tạo khung pháp lý tốt cho sản xuất kinh doanh.

Đường lối đối ngoại rộng mở, mềm dẻo, linh hoạt đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mặc dù thế giới đầy biến động nhưng VN vẫn giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới. Cử tri và dư luận đánh giá cao những thành tựu này.

Trong các bài học được rút ra có nhân tố quan trọng là phát huy nhân tố con người, trên tinh thần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tiên phong, gương mẫu. Xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như thế có tính quyết định cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong khu vực công của nền hành chính Nhà nước.

Tình trạng bỏ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng, từ 2020-6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đây là vấn đề đặt ra trong quản trị của Chính phủ.

Vậy nhìn nhận, bản chất của thực trạng này như thế nào?

Thứ nhất, đây là xu hướng không chỉ xảy ra ở nước ta, mà còn ở các nước châu Á. Thứ hai, những người ra khỏi khu vực công nhưng họ vẫn cống hiến công sức, năng lực cho xã hội. Thứ ba, nguyên nhân được coi hiện tượng này là do tiền lương và thu nhập và môi trường làm việc. Thực tế tiền lương khu vực công thường thấp hơn nhiều so với khu vực ngoài, thường phản ứng chậm trước nhu cầu tăng thu nhập bởi ràng buộc trước các quy định pháp lý, mà các quy định này thường có độ trễ so với yêu cầu của thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của Chính phủ.

Ảnh: QH

Tuy nhiên, nếu coi đây là căn nguyên của vấn đề thì chưa hẳn, mà còn bởi áp lực công việc và đối với người trẻ họ muốn ưu tiên phát triển bản thân hơn là ngồi một chỗ làm trong khu vực công.

Thứ tư, khu vực công và khu vực tư đều yêu cầu tri thức, tinh thần trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo, hiệu quả. Tuy nhiên, trong khu vực công không chỉ yêu cầu trách nhiệm trong công việc mà còn trước nhân dân - đối tượng cán bộ phải phụng sự. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, cán bộ là công bộc của dân. Với câu này thì sự hài hòa của thu nhập và việc thực hiện vai trò công bộc là hết sức cần thiết.

Như vậy hoạt động chuyển dịch vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Chính phủ đánh giá, hoàn thiện quản trị của mình.

ĐB đề nghị thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc theo hướng phân cấp mạch lạc cho các cấp trong thứ bậc hành chính, đồng thời xử lý hợp lý các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế để khắc phục được công việc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế giải quyết các việc, cơ chế, chính sách trong môi trường cống hiến, cơ hội thăng tiến công bằng và minh bạch.

Hai là, hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý. Ba là, quan tâm đúng mức đến thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng một cơ chế lương thích hợp và linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, giá trị tri thức, trách nhiệm và hiệu quả công việc. Bốn là, cụ thể hóa đầy đủ và kịp thời Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Thu gọn
27/10/2022 | 08:32

8h32: Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn

ĐB Hà Đức Minh (Lào Cai) cho rằng, những năm qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, ưu đãi tín dụng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng đặc biệt khó khăn.

Sự quan tâm đó giúp người dân từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, số xã đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm.

3 năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, đa phần các đối tượng các xã bị tác động bởi Quyết định số 861 đều là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo.

ĐB Hà Đức Minh (đoàn ĐBQH Lào Cai). Ảnh: QH

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách đã ban hành để đảm bảo an sinh xã hội và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861, đặc biệt là các xã có tỷ lệ của người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đến hết giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, để đảm bảo tính kịp thời trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh thời điểm thực hiện xét thu hồi quyết định công nhận đối với các xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn năm 2021 - 2025.

Đối với việc phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp cả giai đoạn để các địa phương chủ động. Đồng thời, đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế riêng đặc thù về việc bố trí vốn sự nghiệp thủ tục đầu tư, giải ngân, chuyển nguồn đối với chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng không thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Đầu tư công. Do đây là chương trình có ý nghĩa chính trị to lớn cũng như có rất nhiều yếu tố về đặc thù với số lượng cơ quan chủ quản yêu cầu lồng ghép nguồn vốn, đối tượng và các địa bàn triển khai.

Thu gọn
27/10/2022 | 08:24

8h24: Triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế- xã hội còn chậm

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho hay, đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng và tỷ giá được kiểm soát, xuất khẩu tăng nhanh, xuất siêu đạt mức cao hơn so với cùng kỳ, công ăn việc làm được đảm bảo, chuyển đổi số nền kinh tế bước đầu được nhiều thành tựu, dịch vụ được phục hồi… Tuy còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế nhưng xét về tổng thể lĩnh vực giáo dục y tế đạt được những kết quả, đạt được mặt tiệm cận với các nước. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững chức, đối ngoại không ngừng mở rộng, phát huy.

Về những hạn chế, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế- xã hội còn chậm nhất là gói hỗ trợ tiền nhà, hỗ trợ mất việc làm. Giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn nhiều khả năng không đạt mục tiêu của Quốc hội đề ra, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt qua đây cho thấy kỷ luật, kỷ cương đầu tư công chưa được thực hiện nghiêm.

Ảnh: QH

Đời sống của người lao động, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang còn gặp nhiều khó khăn. Từ tháng 7/2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh trong khi chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng trên dưới 4% làm tiền lương thực tế chưa tương xứng, dẫn đến chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực tư.

Nhiều cử tri băn khoăn tình trạng thổi giá đất sốt ảo; đấu thầu thuốc trang thiết bị y tế; các vụ cháy vẫn xảy ra nhiều; tình trạng lừa đảo qua mạng gia tăng.

Phương hướng năm 2023, ĐB Phương đồng thuận cao 12 nhóm nhiệm vụ. ĐB đề xuất, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, góp phần đảm bản an toàn xã hội, ổn định sản xuất, thị trường, bình ổn giá mặt hàng, đây là điều kiện kiên quyết thúc đẩy tăng trưởng KTXH.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý.

Cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong quản lý để đẩy nhanh tốc độ đầu tư công. Các địa phương cần chủ động tháo gỡ vướng mắc, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo hiệu quả công tác này.

Trong thời gian tới, cần phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại để giữ vững sự phát triển ổn định của kinh tế trong nước, cần bám sát thực tế để chủ động có sự thích ứng linh hoạt để đảm bảo nền kinh tế nước ta độc lập tự chủ trong giai đoạn hội nhập tới; tập trung khai thác các hiệp định thương mại; quan tâm đến vấn đề xuất nhập khẩu.

Nâng cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thực tế dù nguồn lực dồi dào đến đâu thiếu sự quản lý hiệu quả cũng không tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển KTXH.

Thu gọn
27/10/2022 | 08:25

8h18: "Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa"

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhắc lại thời điểm này một năm trước, Quốc hội họp và thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn cầu và Việt Nam cũng chưa được kiểm soát hiệu quả, còn nhiều khó khăn thách thức khác đặt ra.

Thời điểm đó, nhiều đại biểu phân vân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình là 6-6,5%. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 phục hồi tích cực và đạt được những kết quả khá quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực và tăng trưởng cả năm ước đạt 8,5%.

Tuy nhiên, theo đại biểu, đánh giá đầy đủ việc phát triển kinh tế - xã hội với các vấn đề xã hội, văn hoá, dân sinh là chưa tương xứng. Một bộ phận nhân dân, nhất là ngư dân, nông dân, trong đại dịch tuy được nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn còn chưa thoát được khó khăn. Với giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào là biến động lớn, giá nông sản không tăng dẫn đến họ gặp khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tiềm ẩn nhiều rủi ro, cơ cấu một số tổ chức tín dụng còn yếu kém chưa phát huy hiệu quả.

Đại biểu đoàn Bình Thuận cũng cho rằng, tiền lương thu nhập của cán bộ, công chức còn thấp. Xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Theo thống kê là hơn 39.000 người nghỉ việc. Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, còn một số cán bộ, công chức bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.

Theo đại biểu, đó là những thách thức lớn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Chính phủ đưa ra là tăng trưởng GDP 6,5%.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết có hiệu quả vấn đề, đó là tình trạng bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.

“Cán bộ tâm sự rằng, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông chia sẻ.

Về nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, theo đại biểu là rất nhiều. Nhưng theo ông nguyên nhân chính đó là chưa có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đối với vấn đề này thì áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm toán, điều tra thì lại sai. Áp dụng vào thời điểm này thì đúng, nhưng sau đó kiểm tra vào thời điểm khác lại sai.

Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách, nhằm điều chỉnh cho đồng bộ, phù hợp với thực tế. Mặt khác, sớm cụ thể hoá chủ trương của Đảng bằng các quy phạm pháp luật để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống.

Thu gọn
27/10/2022 | 08:15

8h15: Bảo hiểm chậm thanh toán gây khó cho cơ sở y tế

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) nêu một số vấn đề trong quản lý quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó tập trung vấn đề tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và mối liên hệ đối với cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị y tế sự nghiệp công lập.

Đại biểu thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2021, năm cả nước triển khai quyết liệt phòng chống dịch bệnh, hệ thống y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT vừa thực hiện nhiệm vụ thực hiện giãn cách xã hội, vừa bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện chính sách BHYT. Bên cạnh những kết quả đạt được trong thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đặt ra một số vấn đề cần có sự quan tâm.

Đại biểu Tạ Minh Tâm, đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang phát biểu. Ảnh: Quốc hội

Cụ thể, số liệu báo cáo cho thấy, trong khoản chi 97.295 tỷ đồng năm 2021 của quỹ BHYT có số chi khoản BHYT tồn đọng trước năm 2021 là 5.323 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm các khoản chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, chưa được thống nhất giữa cơ quan BHXH và cơ sở y tế. Trong đó, vắc xin vượt dự toán các năm 2018, 2019, 2020 được xem xét chi trong năm 2021 là 3.269 tỷ đồng…

Đối với năm 2021, tổng số chi khám chữa bệnh là 93.668 tỷ đồng, số chi khám chữa bệnh BHYT được quyết toán hơn 87.000 tỷ đồng. Từ thực tế, đại biểu cho rằng, áp lực đối với các khoản chi khám chữa bệnh BHYT chưa được thống nhất thanh toán, chậm được thanh toán. Và các khoản chi không được thanh toán đối với các sở y tế công lập là rất đáng quan tâm trong cân đối tài chính.

Từ những vấn đề trên, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh BHYT; hoàn thiện quy trình tạm ứng, thanh toán, quyết toán. Đại biểu cũng đề nghị phát huy vai trò của hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội.

Thu gọn
27/10/2022 | 08:02

8h02: Có 142 ĐBQH đăng ký phát biểu

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 142 ĐBQH đăng ký. Phó Chủ tịch đề nghị ĐBQH phát biểu không quá 7 phút, tranh luận không quá 3 phút. Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung vào các thách thức cần phải vượt qua, các bất cập khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác. Những vướng mắc trong mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Làm rõ những ổn định của hệ thống tín dụng, thực trạng thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản…

Thu gọn
27/10/2022 | 08:00

Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Từ hôm nay (27/10) đến hết ngày 28/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến năm 2023, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán năm 2023.

Thảo luận ở tổ đầu kỳ họp, đa số các đại biểu cho rằng, kết quả kinh tế - xã hội cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Đó là những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Điều này rất đáng trân trọng và đây là động lực tích cực cho mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, trình bày báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn.

Quốc hội dành 2 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6-6,5%). 

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia được tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện. Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia.

Các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp thua lỗ, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả kéo dài đã và đang được quyết liệt tháo gỡ, xử lý; thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả tích cực. Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát an toàn. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Việc rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được triển khai tích cực, hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh. 

Công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Đến nay đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm.

Thu gọn