Dừng hoàn thuế, truy thu thuế 

Hàng loạt doanh nghiệp đầu tư điện gió đang vấp phải khó khăn khi bị cơ quan thuế dừng hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Mới đây, nhiều doanh nghiệp ngành điện khác tiếp tục phản ánh về vấn đề này. (xem thêm tại đây).

Một doanh nghiệp cho biết: "Từ tháng 2/2021 đến nay, chúng tôi nhập khẩu khối lượng thiết bị tương đương hơn 1.000 tỷ đồng và đã nộp vào ngân sách một địa phương gần 100 tỷ đồng, tương đương với 10% thuế GTGT hàng nhập khẩu. Ngoài ra, nhiều dự án khác của chúng tôi cũng đã nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng tiền thuế GTGT. Tổng số thuế dự kiến được hoàn của các dự án của công ty lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi làm việc với các cục thuế, chúng tôi nhận được phản hồi dự án nằm trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì không được hoàn thuế”, vị này thông tin.

{keywords}
Nhiều dự án đầu tư điện không được hoàn thuế vì vướng quy định. (Ảnh Lương Bằng)

Điều này khiến doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm gánh nặng tài chính khi không được hoàn thuế GTGT.

Vì thế, doanh nghiệp này đề nghị xem xét có chính sách điều chỉnh Luật thuế giá trị gia tăng theo hướng điều chỉnh điều kiện hoàn thuế GTGT đối với các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT khi chưa có giấy phép theo hướng "cho phép các dự án được hoàn thuế GTGT khi đã ký hợp đồng mua bán điện, thay vì phải có giấy phép hoạt động điện lực".

Các dự án nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 có quy mô công suất 1.320MWW mỗi dự án và tổng vốn mỗi dự án khoảng 2,5 tỷ USD. Các dự án này đang trong giai đoạn xây dựng, chưa vận hành. Tuy nhiên, Công ty TNHH điện lực Vân Phong và Công ty TNHH nhiệt điện Nghi Sơn 2 liên tục có văn bản báo cáo vướng mắc liên quan đến quyết định dừng hoàn thuế giá trị gia tăng.

Một doanh nghiệp thủy điện cũng cho hay: "Vừa qua, chúng tôi được biết Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản số 470/TCT-KK ngày 25/2/2021 về việc rà soát, thu hồi hoàn thuế GTGT đối với các dự án đầu tư ngành điện nộp hồ sơ trước thời điểm có Giấy phép hoạt động điện lực. Qua các buổi làm việc và trao đổi với Cục Thuế tỉnh yêu cầu truy thu số thuế GTGT đã được hoàn, đồng thời phạt tính trên số tiền thuế truy thu; phạt tiền chậm nộp theo mức bằng 0,03%/ngày tính từ ngày được hoàn thuế. Số tiền hoàn thuế này đã được cơ quan quản lý thuế kiểm tra trước và sau hoàn.

Nếu thực hiện truy thu và phạt số tiền như trên sẽ gây ra ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hoạt động của dự án, thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản doanh nghiệp”, vị đại diện DN lo lắng.

Bộ Công Thương nói về quy định “bất khả thi”

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội và hàng loạt cơ quan liên quan, Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết: Căn cứ khoản 2 Điều 10 Văn bản hợp nhất số 10 các Nghị định hướng dẫn Luật thuế GTGT, thì Dự án đầu tư ngành điện là Dự án đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được hoàn thuế GTGT khi được cấp Giấy phép hoạt động điện lực. Nhưng căn cứ theo Thông tư số 21/2020/TT-BCT ngày 9/9/2020 thì Giấy phép hoạt động điện lực chỉ được cấp khi dự án đầu tư đã hoàn hành đầu tư và được nghiệm thu.

{keywords}
Các dự án nhiệt điện cũng gặp khó với hoàn thuế. (Ảnh Lương Bằng)

Theo các quy định trên, dự án đầu tư ngành điện sẽ không áp dụng được các quy định về hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư. Trong khi đó, dự án đầu tư ngành điện là loại dự án có vốn đầu tư rất lớn, triển khai đầu tư trong thời gian dài, rất cần được áp dụng chính sách hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án.

"Như vậy, có thể thấy các quy định về hoàn thuế GTGT để hỗ trợ dự án trong giai đoạn đầu tư đã được ban hành không áp dụng được đối với các dự án ngành điện, không đạt được mục đích, tinh thần điều chỉnh của chính sách về hoàn thuế GTGT", Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu ý kiến.

Điều này thể hiện sự bất cập, không thống nhất, không khả thi của các quy định về hoàn thuế GTGT cho dự án đầu tư kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực có điều kiện.

Do đó, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định pháp luật liên quan, xóa bỏ những nội dung bất cập, không khả thi, cho phép các dự án ngành điện nói riêng và các dự án trọng điểm nói chung được hoàn thuế GTGT trong giai đoạn đầu tư, tạo điều kiện về vốn cho dự án đúng với tinh thần của Nghị quyết số 115/NQ-CP.

Liên quan đến kiến nghị của hai chủ đầu tư dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2, tại văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nêu quan điểm về “giấy phép điện lực” như yêu cầu của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.

Bộ Công Thương khẳng định: Luật điện lực hiện hành cũng như lĩnh vực điện lực không có quy định về giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, Luật Điện lực chỉ quy định về giấy phép hoạt động điện lực là loại giấy phép cần thiết cho dự án trong giai đoạn vận hành, chứ không cần thiết trong giai đoạn xây dựng. "Giấy phép hoạt động điện lực không phải là giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hay giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện" - Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trên thực tế, Bộ Công Thương cho hay dự án BOT Vân Phong 1 và Nghi Sơn 2 đã tuân thủ quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian xây dựng và đã được cơ quan thuế hoàn thuế nhiều lần. Hợp đồng BOT của các dự án này được Chính phủ cam kết và bảo lãnh nên việc dừng hoàn thuế giá trị gia tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền, tiến độ vận hành thương mại và sự thành công của dự án.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cho rằng việc áp dụng như vậy có thể dẫn tới thủ tục pháp lý, trách nhiệm của Chính phủ trong đảm bảo dự án. Vì vậy, bộ này đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện hoàn thuế cho các dự án.

Hà Duy

Đón nguồn điện trời vô tận: Tưởng ngon ăn, nào ngờ vướng nhiều cái khó

Đón nguồn điện trời vô tận: Tưởng ngon ăn, nào ngờ vướng nhiều cái khó

Nhiều dự án điện gió đang chạy nước rút để kịp hướng giá ưu đãi, dù cơ hội ngày càng ngắn lại. Song, các nhà đầu tư phải đối mặt với nỗi lo khác: Không được hoàn thuế Giá trị gia tăng vì quy định “tréo ngoe”.