Cả lao động nam và lao động nữ sau khi đạt tỷ lệ hưởng 45%, cứ mỗi năm đóng thêm sẽ được tính thêm 2%. Như vậy, lao động nam để đủ điều kiện hưởng tối đa 75% cần đóng BHXH 35 năm, trong khi lao động nữ chỉ cần đóng 30 năm.
Đối với lao động nam có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm, tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ tính bằng 40%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Như vậy, tỷ lệ lương hưu của nam và nữ khi đóng đủ 15 năm BHXH có sự chênh lệch 5%, đóng đủ 20 năm thì mức chênh lệch này tăng lên 10%.
Lao động nữ đóng BHXH từ năm thứ 16 được cộng 2% mỗi năm, trong khi lao động nam từ năm thứ 16 đến 20 thì cộng 1%, từ năm 21 mới được cộng 2%. Cùng đóng BHXH 20 năm, lao động nam được hưởng tỷ lệ 45%, còn lao động nữ được hưởng tỷ lệ 55%.
Bộ luật Lao động đã điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tiệm cận nhau: Theo lộ trình, tuổi nghỉ hưu của lao động nam đến năm 2028 sẽ là 62 tuổi; đến năm 2035, tuổi nghỉ hưu của lao động nữ sẽ tăng lên 60.
Lý do tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ
Vậy tại sao Luật BHXH 2024 lại không giảm tỷ lệ chênh lệch lương hưu của nam và nữ tương ứng với độ tuổi nghỉ hưu?
Về vấn đề trên, Phó Vụ trưởng BHXH Nguyễn Duy Cường cho biết, Luật BHXH hiện hành đã tính toán kỹ tỷ lệ lương hưu của nam và nữ. Vì vậy khi sửa luật, cơ quan soạn thảo không đặt ra vấn đề điều chỉnh tỷ lệ lương hưu. Lao động nam có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm thuộc đối tượng phát sinh mới, nên cần phải xem xét điều chỉnh.
Theo ông Cường, ban đầu cơ quan soạn thảo luật đưa ra đề xuất, lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng tỷ lệ tối thiểu 33,75%. Nam đóng đủ 15 năm đến dưới 20 năm thì mức hưởng được tính thêm 2,25% mỗi năm.
Lao động nữ tham gia BHXH 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu giữ nguyên là 45% và cần đóng 30 năm để đạt tỷ lệ tối đa 75%.
Như vậy, cùng lấy mốc 15 năm đóng BHXH tối thiểu nhưng tỷ lệ tích lũy lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ 11,25%.
Tuy nhiên, qua góp ý của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo điều chỉnh tăng tỷ lệ hưởng lương hưu của nam giới có thời gian đóng BHXH đủ 15 năm đến dưới 20 năm lên 40%, đồng thời giảm tỷ lệ tăng thêm năm đóng BHXH của đối tượng này từ 2,5% xuống 1%.
Như vậy, Luật BHXH 2024 chỉ điều chỉnh tỷ lệ lương hưu đối với nhóm hưởng lương hưu mới phát sinh, còn lại giữ nguyên như quy định hiện hành.
Ông Cường thông tin thêm, tuổi nghỉ hưu chỉ là một căn cứ để xem xét điều chỉnh tỷ lệ lương hưu, còn việc cân đối quỹ BHXH mới mang tính quyết định trong việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu.
Với tỷ lệ tích lũy theo quy định hiện hành, cùng với việc quy định tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%, chế độ hưu trí của Việt Nam hiện nay đang được đánh giá là thuộc nhóm cao nhất so với các nước.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết cho gần 763.000 người hưởng lương hưu, trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109.000 người hưởng lương hưu mới. Tuy nhiên, chỉ có hơn 55% người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Tỷ lệ hưởng hưởng lương hưu cao song với tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc để tính lương hưu không cao, nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay chưa được cải thiện nhiều. Theo thống kê của ngành BHXH cũng cho thấy, chênh lệch giữa số người đóng và người hưởng lương hưu ngày càng ít đi. Năm 1996 có 217 người đóng BHXH thì một người hưởng, năm 2000 số người đóng giảm còn 34; năm 2016 còn 9 người và hiện tại còn khoảng 6,5 người đóng cho một người hưởng. |