TP.HCM cần tập trung vào 3 vấn đề
Tại hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, TP.HCM không chỉ đóng góp gần 20% GDP cả nước và 25% tổng thu ngân sách mà đây còn là đô thị đặc biệt, là cửa ngõ kết nối vùng; đồng thời là đầu tàu kinh tế với sức lan tỏa lớn.
Thế nhưng, thời gian qua, TP.HCM đối diện với nhiều thách thức khi tiềm năng, thế mạnh cùng các đột phá sáng tạo chưa được khai thác hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế chưa tương ứng với lợi thế. Vai trò đầu tàu, dẫn dắt đang có xu hướng suy giảm.
Do đó, Bộ trưởng lưu ý, trong quy hoạch tới, thành phố cần xác định được trọng tâm, các khâu đột phá, các ngành kinh tế ưu tiên để khai mở các tiềm năng, động lực phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, trong các giải pháp đột phá, thành phố cần tập trung vào 3 vấn đề, đó là giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm và ngập úng.
Ông cho rằng, phát triển TP.HCM phải đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa. Phải là cực tăng trưởng của các vùng động lực phía Nam; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thành phố của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng TP.HCM phải trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. Đây là xu hướng, động lực mới, tạo ra giá trị mới cho thành phố.
“Thành phố hiện nay đang như lò xo bị bó cứng lại, làm sao quy hoạch tác động vào và làm bật lò xo lên. Nếu bật ra được sẽ phát triển rất nhanh. Làm sao chúng ta tìm được các động lực mới, làm sao để lò xo bật ra được, trỗi dậy, bứt phá được; đó là nhiệm vụ của quy hoạch", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, với tư duy mới, cách tiếp cận mới, tầm nhìn mới và với sự táo bạo, đột phá trong khuôn khổ cho phép, phù hợp với xu hướng mới của thế giới, phù hợp với điều kiện đặc thù, đặc điểm riêng của TP.HCM… chắc chắn thành phố sẽ có điều kiện phát triển bứt phá trong thời gian tới.
"Và phải xứng đáng với câu nói mà Tổng Bí thư trong chuyến thăm thành phố năm ngoái đã nói, thành phố phải quay trở lại và trở thành “hòn ngọc Viễn Đông”, ông Dũng bày tỏ.
3 kịch bản phát triển kinh tế và 2 kịch bản phát triển không gian
Theo dự thảo lần 1 của quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã đưa ra 2 kịch bản phát triển không gian.
Cụ thể, kịch bản 1, bao gồm: 1 đô thị trung tâm (16 quận); 1 thành phố Thủ Đức - đô thị song hành và 5 đô thị vệ tinh: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ, trên nguyên tắc sẽ chuyển dần các huyện hiện hữu thành quận.
Kịch bản 2, gồm: 1 đô thị trung tâm (15 quận); 1 thành phố Thủ Đức và 3 đô thị song hành: Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè - Quận 7 - Cần Giờ.
Cùng với đó, dự thảo cũng đề ra 3 kịch bản phát triển kinh tế. Theo đó, kịch bản 1 phát triển theo xu hướng hiện tại, tốc độ tăng trưởng GRDP là 6,6%. Kịch bản 2, tốc độ tăng trưởng là 8,3%. Kịch bản 3, tốc độ tăng trưởng là 10,5%.
Cũng theo dự thảo quy hoạch, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ cần khoảng 2,23 triệu tỷ đồng vốn đầu tư. Giai đoạn 2026-2030 với sự phát triển mạnh mẽ sẽ cần hơn 4,2 triệu tỷ đồng (tương ứng 6,4 triệu tỷ đồng cho cả thời kỳ 2021-2030).
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng, quy hoạch phải làm sao để nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế của thành phố hiện nay và khai mở hết tiềm năng, động lực để thành phố có thể đảm đương được các vai trò.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM nêu rõ, thành phố xác định việc lập quy hoạch không chỉ làm riêng cho thành phố và cũng không thể tự làm một mình. TP.HCM thực hiện việc này đặt trong bối cảnh liên kết vùng, liên kết, hợp tác quốc tế.
“Chúng tôi đặt trong bối cảnh hợp tác quốc tế, từ khu vực như Đông Nam Á, châu Á, từ đó xác lập vai trò kết nối của thành phố đối với các đô thị lớn của các nước”, ông Phan Văn Mãi cho hay.