Anh chia sẻ, trong gia đình, cả bố và ông nội anh đều hói đầu. Cách đây 5 năm, tóc anh bắt đầu rụng, từ từ thưa mỏng đi. Dần dà, tóc anh tạo hình thành chữ M ở vùng trán thái dương khiến anh rất tự ti.

Ngoại hình “mặt trẻ đầu già” khiến anh như lệch cả chục tuổi so với bạn gái. Chất lượng sống suy giảm, anh còn lo lắng bản thân có vấn đề về hormone nam tính hay không khi bị hói đầu từ rất sớm.

Các bác sĩ cho hay với nam giới, đặc biệt với người khoảng 20 tuổi, nguyên nhân gây rụng tóc, hói đầu chủ yếu do di truyền. Trong gia đình có ông bà, cha mẹ rụng tóc, hói đầu, nguy cơ con trai bị rụng tóc khá cao, có thể gấp đôi người bình thường.

Ngoài ra còn những yếu tố khác như chế độ sinh hoạt, các chất kích thích, thuốc lá… cũng thúc đẩy nhanh quá trình hói đầu ở nam giới.

Theo ThS, BSCK2 Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Bệnh viện Da liễu Trung ương - ngoài gene di truyền, testosterone (nội tiết tố sinh dục nam) là yếu tố liên quan chặt chẽ tới rụng tóc, hói đầu ở nam giới.

Đó là nguyên nhân khiến không chỉ anh Hùng mà nhiều người đàn ông khi hói đầu sớm đều băn khoăn, lo lắng về hormone nam hay khả năng sinh lý.

Tại Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, trung bình 1 tuần có tới 30 bệnh nhân nam khám, tư vấn điều trị về rụng tóc, hói đầu.  

Trước khi đến viện, nhiều người đã tự mua một số sản phẩm để điều trị. Nhiều người còn đi khám cả nam khoa, kiểm tra testosterone vì nghi ngờ bị rối loạn nội tiết tố.

Hói đầu có liên quan đến yếu sinh lý?

Các dấu hiệu của rụng tóc kiểu hói ở nam giới có thể xuất hiện từ thời kỳ thanh thiếu niên. Nhưng khi từ 20-25 tuổi, thời kỳ hệ nội tiết tố sinh dục nam đạt ngưỡng cao nhất, quý ông sẽ có các biểu hiện ban đầu mạnh mẽ hơn của rụng tóc, hói đầu.

Theo bác sĩ Minh, về cơ bản, y học chưa ghi nhận mối liên hệ giữa hói đầu với tình trạng yếu sinh lý của nam giới. Thậm chí, các thầy thuốc còn ghi nhận những trường hợp hói đầu nhưng khả năng sinh lý còn mạnh mẽ hơn.

“Một số quý ông có biểu hiện nội tiết tố nam rõ ràng như rậm râu, mọc lông nhiều nơi trên cơ thể như ngực, tay, chân, đặc biệt là tăng tiết tuyến bã như da đầu bóng, tiết nhiều dầu lại có biểu hiện rụng tóc kiểu hói sớm hơn nam giới khác”, bác sĩ Minh thông tin và khẳng định quý ông hói đầu không nên lo lắng về nguy cơ yếu sinh lý.

Giải thích kỹ, bác sĩ Minh cho hay, điều này liên quan đến hệ nội tiết tố sinh dục nam và thụ thể của nó. Có những trường hợp hàm lượng testosterone không tăng nhưng thụ thể và men để chuyển hoá nội tiết tố này lại có xu hướng tăng ở người hói đầu.

Vai trò của nội tiết tố androgen được nghiên cứu nhiều nhất trong hói đầu ở nam, cụ thể là androgen dihydrotestosterone (DHT) và loại men được nhắc đến ở đây là 5α -reductase.  

DHT nằm trong trong tế bào mầm nang tóc, xu hướng huỷ hoại tế bào mầm nang tóc, làm tế bào nang tóc chết sớm hơn, không có phục hồi thay thế. Vì thế, tóc càng ngày càng mỏng, có những vùng mất nang tóc hoàn toàn, tóc không còn khả năng mọc lại.

Một vấn đề đặt ra là, hói đầu liên quan đến vấn đề nội tiết tố. Vậy vì sao khi nội tiết tố sinh dục nam đã suy giảm nhưng vẫn có hiện tượng hói đầu, thậm chí mức độ hói tăng theo tuổi?

Theo giải thích của bác sĩ Minh, do hoạt động của men 5 α-reductase chuyển hoá tại một số vị trí nang tóc trên da đầu. Các nang tóc theo thời gian bị sự tác động của các yếu tố nội tiết chuyển hóa.

Tác động của DHT lên các nang nhạy cảm góp phần vào quá trình thu nhỏ nang tóc, biểu hiện lâm sàng là sự thay thế các sợi tóc cuối bằng các sợi tóc tơ ngắn, mỏng... dẫn đến có thể không chờ đến khi vào tuổi trung niên, các nang tóc đã bị hủy hoại hết, hình thành nên rụng tóc kiểu hói trên lâm sàng.

Tình trạng rụng tóc không đồng đều, không giống nhau ở toàn bộ da đầu mà phụ thuộc vào sự chuyển hóa của DHT và nhạy cảm ở các thụ thể tại nang tóc. Đó là lý do rất ít người hói ở vùng chẩm (gáy) mà thường rụng tóc chữ M ở vùng trán và vùng đỉnh thái dương.

Điều trị hói đầu ở nam giới không dễ

Tiếp nhận một bệnh nhân nam tới khám vì rụng tóc, hói đầu, các bác sĩ sẽ đánh giá về cả hình thái lâm sàng, mức độ, biểu hiện rụng tóc kiểu hói, phân loại đúng nhóm hói đầu do nội tiết tố sinh dục.

Bệnh nhân được sàng lọc một số bệnh lý liên quan như viêm nhiễm, hậu Covid-19, chấn thương, phẫu thuật, stress, chế độ sinh hoạt…  

Bác sĩ cũng đưa ra bộ câu hỏi về vấn đề hoạt động tình dục của bệnh nhân về cả tần suất, chất lượng. Một số được lấy mẫu máu xét nghiệm, sàng lọc các vấn đề về tuyến giáp, thiếu máu.

Cuối cùng, bệnh nhân sẽ được đánh giá qua việc chụp nang tóc, xem xét tỷ lệ nang tóc có được trên một cm2 ở khu vực rụng tóc.

Theo bác sĩ Minh, các phương pháp điều trị hói đầu ở nam giới thường đi vào 2 cơ chế chính.

Trước hết là tác động trực tiếp đến việc giảm chuyển hoá giữa testosterone thành DHT bằng cách dùng các loại thuốc Finasteride ức chế có chọn lọc hoạt động của loại 5α-reductase giảm rụng tóc; kích thích mọc tóc dùng các thuốc xịt minoxidil 5%...

Việc điều trị hói đầu bằng thuốc không thể đạt hiệu quả nhanh chóng, một lần là khỏi vĩnh viễn. Bác sĩ Minh còn lưu ý dùng thuốc Finasteride phải cẩn trọng, thăm khám rất kỹ do thuốc có khả năng gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như: Rối loạn cương dương (từ 2-8%), chứng vú to ở nam giới, giảm số lượng tinh trùng, tăng nguy cơ béo phì…

Song song đó, bác sĩ sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ gây rụng tóc, hói đầu. Đơn cử, nếu thiếu hoạt chất thì bổ sung biotin, kẽm, các yếu tố vi lượng, chất chống oxy, kiểm soát giảm tình trạng dầu trên da đầu…

Các cơ sở y tế lớn đang áp dụng các biện pháp bổ trợ, giúp tăng sinh hệ thống collagen để giữ nang tóc tốt hơn, tăng vận mạch, hệ tưới máu tại các vị trí liên quan da đầu, giảm tình trạng tiết dầu của da đầu…

Ở mức độ nặng, nếu không còn nang tóc tại các vị trí hói không còn khả năng phục hồi, bác sĩ sẽ đánh giá khả năng cấy tóc cho bệnh nhân.

Thanh Hiền

Đàn ông Việt cao hơn 5,8 cm sau 20 nămTại Việt Nam, chiều cao trung bình của nữ giới tăng từ 152,3 cm lên 155,6 cm, nam giới từ 162,3 cm lên 168,1 cm sau 20 năm. Chiều cao trung bình của người Việt đang đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.