Trong đó, Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ vốn vay không tính lãi suất từ 1 tỷ đồng (vốn hỗ trợ ban đầu cho các HTX nông nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình). HTX cam kết sử dụng nguồn vốn vay để mua con giống, cây giống, trang thiết bị máy móc, vật tư... để phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao và cam kết bố trí việc làm cho từ 25 hộ nghèo, hộ khó khăn tại địa phương với thu nhập tối thiểu từ 1 triệu đồng/hộ gia đình/tháng.

Đồng thời, cam kết hoàn trả từ 30 - 50% vốn hỗ trợ ban đầu cho Quỹ Thiện Tâm tại thời điểm kết thúc năm thứ 5 thực hiện dự án và hoàn trả nốt phần vốn còn lại sau khi địa phương không còn hộ khó khăn cần dự án hỗ trợ (nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ khi bắt đầu thực hiện dự án). Số tiền hoàn trả cho Quỹ Thiện Tâm sẽ được Quỹ cùng lãnh đạo các cơ quan quản lý chương trình thống nhất phương án, nội dung để điều chuyển sang các chương trình an sinh xã hội khác. Những hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm không chỉ tiếp thêm nguồn lực để các hợp tác phát triển sản xuất, mà còn tạo điều kiện để các đơn vị bố trí công ăn việc làm, tạo nguồn sinh kế giúp các hộ gia đình nghèo khó khăn tại địa phương thoát nghèo bền vững.   

anh bai quy thien tam.jpg
Thay vì cách làm truyền thống của các dự án hỗ trợ tới hộ dân, Quỹ Thiện Tâm đã chuyển hướng hỗ trợ trực tiếp cho các HTX

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Nhật Lam cho biết, trong năm 2023, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, dự án HTX liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững do Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ đã phát huy hiệu quả tích cực. Mỗi HTX được Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ 1 tỷ đồng bằng hình thức cho vay không lấy lãi trong vòng 10 năm. Mặc dù số tiền không lớn, nhưng đây là nguồn lực rất quan trọng trong việc phát triển và mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trong đó có nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, VietGAP… cho các HTX. Đặc biệt, thông qua HTX, các xã viên là người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này để phát triển kinh tế.

Tại Thái nguyên và Sơn La, dự án đã tiến hành thí điểm tại 3 HTX điển hình chuyên chăn nuôi bò vỗ béo lấy thịt công nghệ cao. Trong đó, 2 HTX được lựa chọn tham gia triển khai dự án đầu tiên đó là HTX Bò mông số 11 và HTX công nghệ cao Phú Lương. Tham gia dự án, mỗi HTX được quỹ hỗ trợ vay vốn 1 tỷ đồng với lãi suất 0% để đầu tư mua 50 con bò giống chất lượng cao cho 25 hộ nghèo tham gia chăn nuôi. Đến nay sau 1 năm đi vào vận hành,  mô hình đã bắt đầu phát huy hiệu quả: Đàn bò sinh trưởng tốt, bò cái giống đã sinh được 18 bê non, đang có 10 nái chửa, bò đực vỗ béo nuôi lấy thịt tăng trưởng đều. Tổng mức lợi nhuận ước tính gần 600 triệu đồng, thu nhập của hộ gia đình tham gia vào HTX trung bình đạt từ 4-6 triệu đồng/hộ/tháng (cao hơn nhiều so với mức quy định là 1 triệu đồng/tháng mà quỹ đặt ra cho các HTX).

Ngày 24/11, tại bản Xin Chải, xã Giang Ma (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lai Châu tổ chức lễ bàn giao, tiếp nhận tiền mặt trị giá 6 tỷ đồng cho 6 HTX vay vốn không lãi suất trong 10 năm để mua con giống, trang thiết bị nông nghiệp.

Lễ bàn giao đợt này, mỗi HTX được vay 1 tỷ đồng không lãi suất trong 10 năm để mua con giống, trang thiết bị nông nghiệp. Tỉnh Lai Châu có 2 HTX gồm: HTX Bảo tồn và Phát triển giống Sâm núi Lai Châu ở bản Xin Chải, xã Giang Ma (huyện Tam Đường); HTX Nông nghiệp Phúc Than (huyện Than Uyên). Tỉnh Sơn La có 3 HTX Long Hiếu; HTX Nam Sơn - Phú Lương và Liên hiệp HTX Nông nghiệp tổng hợp Mai Sơn. Tỉnh Điện Biên có HTX Nông nghiệp Tiên Phong.

 Tham gia vào HTX, nhiều hộ dân nghèo và cận nghèo được hỗ trợ cây  giống,  được làm việc và trả lương cố định. Bản thân các HTX tham gia dự án cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nguồn quỹ đầu tư giúp HTX giải quyết vấn đề thiếu vốn, công nghệ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Ông Lý Minh Tuấn - Giám đốc Quỹ Thiện Tâm khẳng định: “Thay vì cách làm truyền thống của các dự án hỗ trợ tới hộ dân, Quỹ Thiện Tâm đã chuyển hướng hỗ trợ trực tiếp cho các HTX. HTX là tổ chức pháp nhân đại diện quyền lợi của các thành viên sẽ tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi không lãi suất của Quỹ và cam kết sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm ổn định cho các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn tại địa phương với mức thu nhập tối thiểu từ trên 1 triệu đồng/hộ/tháng. Cách làm trên sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế trong thời gian ngắn nhất, giúp các hộ nghèo dễ dàng tiếp thu kiến thức kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, hiện đại, vươn lên ổn định cuộc sống”.

Dự kiến trong năm 2024, Quỹ Thiện Tâm tiếp tục hỗ trợ 50 HTX với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng ở các vùng miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ…

 Dự án được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia đặc biệt là với hợp phần tạo sinh kế của  Chương trình giảm nghèo và Chương trình phát triển kinh tế của thôn bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS. Dựa trên thành tựu và kết quả đã đạt được, trong thời gian tới dự án hy vọng sẽ triển khai rộng khắp trên địa bàn cả nước. Từ đó góp phần tạo sinh kế cũng như chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới mục tiêu chung vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của các hộ nghèo, vì sự phát triển vững mạnh của tập thể các HTX.

Thái Khang và nhóm PV, BTV