Đây là lưu ý của GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế tại buổi giao ban với lãnh đạo các Sở y tế ngày 27/8.
Chống dịch Covid-19 mùa đông xuân sẽ khó hơn
GS Long cho biết, nhờ nỗ lực cả hệ thống và thực hiện đồng bộ các giải pháp, hiện tình hình dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát.
Tuy nhiên quyền Bộ trưởng nhìn nhận, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài vào nước ta rất lớn. Trong khi đó ở trong nước, sắp tới sẽ tiếp tục có các ca bệnh trong cộng đồng do mầm bệnh đã lây lan, có thể bùng phát thành các đợt mới nếu các địa phương lơ là, mất cảnh giác.
“Nếu không quyết liệt nhanh chóng, tốc độ lây lan của dịch sẽ nhanh hơn sự ứng phó của chúng ta”, quyền Bộ trưởng Y tế cảnh báo.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, việc chống dịch Covid-19 khi bước vào mùa đông xuân sẽ khó khăn hơn nhiều. Ảnh: Trần Minh
Do đó, thời gian tới các địa phương tiếp tục quán triệt khoanh vùng nhanh gọn, truy vết thật nhanh và cách ly triệt để để ngăn dịch lây lan.
Quyền Bộ trưởng cũng chia sẻ, đối với ngành y tế lần này, việc phòng chống dịch sẽ khó khăn vì phải đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Đòi hỏi lực lượng y tế phải nỗ lực gấp 2- 3 lần so với trước.
“Chúng tôi lo ngại vụ dịch vào mùa đông xuân sắp tới sẽ khó khăn hơn, điều kiện thời tiết và môi trường ẩm khiến virus lan nhanh hơn. Chúng ta phải tính nếu xảy ra tình huống có hàng trăm ca mắc trong một thời điểm tại một địa điểm thì xử lý ra sao? Do đó, phải luôn đặt ra tình huống nếu dịch xảy ra tại công sở, khu công nghiệp, bệnh viện thì xử lý như thế nào?”, GS Long lưu ý.
Để chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, quyền Bộ trưởng Y tế yêu cầu các địa phương ngay lập tức rà soát lại các kịch bản, tình huống chống dịch và luôn nghĩ đến tình huống có ca bệnh trên địa bàn để chủ động với mọi tình huống, nhanh chóng khoanh vùng, cách ly, dập dịch, tránh lây lan rộng.
Rút kinh nghiệm từ trường hợp bệnh nhân 1032 ở Cầu Giấy, Hà Nội, quyền Bộ trưởng Y tế yêu cầu các điểm cách ly tuân thủ nghiêm những quy định về cách ly, tuyệt đối không để người đang đợi kết quả xét nghiệm lần 2 được phép ra khỏi khu cách ly tập trung. Người ra khỏi khu cách ly phải tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà trong 14 ngày.
Song song với đó, các địa phương cần tiếp tục tăng cường năng lực xét nghiệm Realtime RT-PCR.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương được giao tổ chức tập huấn ngay cho các địa phương xét nghiệm thêm bằng phương pháp ELISA do Việt Nam hiện đã sản xuất được kit ELISA có độ nhạy tương đối cao.
Bảo vệ nhân viên y tế ở mức cao nhất
Từ bài học của Đà Nẵng, GS Long cảnh báo, bệnh viện nào cũng có nguy cơ bị Covid-19 xâm nhập, những bệnh viện tưởng chừng ít nguy cơ như sản, nhi... càng cần phải lưu tâm, tránh lơ là.
Vừa qua Hà Nội đã dừng hoạt động của 3 bệnh viện không đảm bảo bệnh viện an toàn. Đối với các địa phương khác cũng phải kiên quyết như vậy.
“Nếu cơ sở y tế nào không đảm bảo an toàn cần cho dừng hoạt động ngay, nếu tiếp tục để xảy ra vi phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu, bất kể đó là bệnh viện công hay tư. Không để tình trạng vì một sơ xuất mà phải đóng băng cả bệnh viện”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các bệnh viện cũng phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhân viên y tế tại các khoa trọng điểm như cấp cứu, hồi sức, khám bệnh, thận nhân tạo... vì đây là nguồn lây bắc cầu.
"Chúng ta phải bảo vệ nhân viên y tế ở mức cao nhất thì mới có thể ứng phó với dịch bệnh" - quyền Bộ trưởng nói, đồng thời lưu ý các trường hợp bệnh nhân có yếu tố dịch tễ sốt, ho, khó thở cũng phải lưu ý lấy mẫu xét nghiệm.
Riêng đối với khoa thận nhân tạo, các bệnh viện phải có kịch bản để nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến các khu vực khác khi xuất hiện ca bệnh dương tính.
GS Long cũng lưu ý lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, các bệnh viện phải đẩy mạnh việc tập huấn cho cán bộ y tế trong phòng chống dịch, tuyệt đối không để tình trạng thiếu trang thiết bị phòng hộ.
Dù hiện tại dịch chưa quá căng thẳng, song quyền Bộ trưởng Y tế đề nghị các tỉnh chủ động mua sắm trang thiết bị chống dịch ngay từ bây giờ đến đầu năm sau.
Thúy Hạnh
Xem video:
Ca thứ 30 tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam
Sáng 27/8, Việt Nam ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc Covid-19 tử vong, nâng số ca không qua khỏi lên 30.
Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.