Làm ngơ Amazon không còn là một lựa chọn khả thi của nhiều công ty trên thế giới. Ngoài thương mại điện tử, công ty của người đàn ông giàu nhất hành tinh còn tham gia vào logistic, sản xuất, dịch vụ khách hàng, dịch vụ đám mây, phần cứng, robot, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp ô tô, tài chính, bất động sản, thời trang và chăm sóc sức khỏe. Có thể nói, những lĩnh vực của nền kinh tế mà Amazon chưa chạm tay tới càng ngày càng thu hẹp theo thời gian.
Tầm ảnh hưởng của Amazon không chỉ được thể hiện ở việc trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới hay khối tài sản cá nhân khổng lồ của người sáng lập kiêm CEO Jeff Bezos mà còn ở việc các công ty khác thường xuyên dành sự quan tâm đặc biệt đến họ như thế nào.
Theo phân tích của Quartz, năm 2018, CEO của các công ty đại chúng trên toàn thế giới đã nhắc đến "Amazon" trong hơn 2.300 cuộc gọi hội đàm và thuyết trình hội nghị. Con số này cao hơn khá nhiều so với 1.600 lần được nhắc tên của Amazon trong năm 2016 và tất nhiên số liệu không bao gồm những lần hãng tự nhắc tên của chính mình.
Số liệu trên đã phần nào chứng tỏ sức mạnh và sức lan tỏa mạnh mẽ của Amazon trên phạm vi toàn cầu. Ở một mức độ nào đó, mọi công ty đều có lý do để lo ngại về sự bành trướng ngày một gia tăng của Amazon bởi họ sẵn sàng chấp nhận bào mỏng lợi nhận để trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Một trong những ngành đáng chú ý nhất thể hiện tần suất được nhắc tên tăng đột biến của Amazon trong 18 tháng qua là chăm sóc sức khỏe. Amazon đã xuất hiện trong nhiều chương trình radio của ngành chăm sóc sức khỏe năm 2017 vì tin đồn sẽ phân phối dược phẩm. Các CEO trong lĩnh vực này đề cập đến "Amazon" nhiều đến nỗi từ này đã "soán ngôi" cụm từ "phòng cấp cứu" trong quý III và quý IV của năm. Một số công ty thậm chí còn có dự định sáp nhập với nhau để tạo thành hàng rào chống lại Amazon.
Tin đồn Amazon quan tâm đến dược phẩm đã được chứng minh vào tháng 6/2018 khi họ mua lại startup bán thuốc trực tuyến PillPack với giá 1 tỷ USD. Thương vụ trên ngay lập tức đã "thổi bay" 23,5 tỷ USD khỏi vốn hóa thị trường của 10 công ty chăm sóc sức khỏe lớn nhất.
Mọi động thái của Amazon đều ít nhiều ảnh hưởng đến các công ty khác.
Việc Amazon mua lại ông lớn phân phối thực phẩm Whole Foods năm 2017 không chỉ thay đổi cuộc chơi trong ngành tạp hóa mà còn trong lĩnh vực bất động sản.
Khoản tiền trị giá 13,7 tỷ USD là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Amazon, một công ty vốn mạnh về năng lực trực tuyến giờ đây có tham vọng phát triển cả những cửa hàng vật lý. Nếu họ làm như vậy, rất có khả năng nhiều công ty thương mại điện tử khác sẽ làm theo và đó là tin tốt cho các nhà phát triển bất động sản.
CEO của không ít công ty bất động sản đã đề cập đến "Amazon" với tần suất ngang ngửa "chủ đất" trong năm 2017. Tính đến ngày 31/12/2017, Amazon đã thuê hàng chục triệu mét vuông đất để làm văn phòng, cửa hàng, trung tâm dữ liệu cùng nhiều mục đích khác.
Những công ty cung cấp hàng hóa và dịch vụ được người dùng coi là có thể lựa chọn thay thế chính là đối tác tiền năng của Amazon. Một số cái tên đáng chú ý là Ebay, Gap, Macy, Nike và Starbucks.
Kể từ 2016, việc đề cập đến "Amazon" bởi CEO của lĩnh vực này trong các cuộc gọi và hội nghị đã tăng vọt. Đa số đều miêu tả cách họ tích hợp sản phẩm và dịch vụ của mình vào nền tảng Amazon. Thông qua gã khổng lồ thương mại, họ sẽ có cơ hội tiếp cận với hàng trăm triệu khách hàng mới
Có thể nói, Jeff Bezos đã xây dựng thành công một đế chế có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Chỉ một động thái của họ cũng đủ khiến cả ngành rung chuyển và chắc chắn cái tên Amazon sẽ còn được các công ty nhắc đến nhiều trong những năm tới.
Theo Trí Thức Trẻ/Quartz