Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện - Thách thức và giải pháp quản lý", ông Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đã chia sẻ về vấn đề thi hành nghiêm túc Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về cơ chế phòng chống rửa tiền (PCRT), tình hình ban hành nội bộ về PCRT, thực hiện kiểm toán nội bộ về PCRT, trách nhiệm báo cáo, cung cấp và lưu giữ thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Thịnh khuyến nghị: Cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa biện pháp nội dung cách nhận diện các nghi vấn về hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố, phổ biến vũ khí và các điều của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2022 để các nhóm đối tượng quản lý, các cá nhân tích cực phát hiện và phòng ngừa các loại tội phạm; tiếp tục hoàn thiện các cơ chế trong bộ máy phòng chống rửa tiền để các hoạt động thu thập số liệu, xử lý báo cáo, chuyển giao thông tin được thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng các điều luật và các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF);

Ông Thịnh nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCTR, cần tiếp tục cụ thể hóa, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tránh trùng lắp nhưng vẫn đảm bảo tính bao quát và cụ thể để có thể thực hiện đầy đủ 40 khuyến nghị của FATF.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi bổ sung các quy định về định kỳ đánh giá rủi ro về rửa tiền quốc gia, ngành tại từng đơn vị báo cáo đối với các hoạt động nghi vấn, áp dụng các biện pháp thích hợp để quản lý rủi ro rửa tiền, đặc biệt là các hình thức kinh doanh, dịch vụ mới xuất hiện; tiếp tục nghiên cứu rà soát, hoàn thiện các quy định về các biện pháp phòng ngừa áp dụng các đơn vị báo cáo để PCRT hoạt động đạt kết quả cao.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước đánh giá, việc xây dựng và áp dụng các chính sách phòng chống rửa tiền cùng với việc triển khai các sản phẩm tài chính toàn diện đã được chú trọng quan tâm tạo ra những tác động tích cực đối với cuộc sống của người dân và trong thực tiễn triển khai cho đến nay chưa có báo cáo về tình trạng gian lận hay dấu hiệu liên quan đến rửa tiền đối với các sản phẩm này. 

Tuy nhiên theo ông Thanh Sơn, để tiếp tục đưa sản phẩm tài chính toàn diện lan tỏa rộng hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, cần tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước về PCRT, đồng thời tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để đổi mới và hoàn thiện hỗ trợ cho việc đơn giản hoá các quy trình, thủ tục vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về PCRT cho các sản phẩm tài chính toàn diện.

Với nhãn quan của Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Huy Công nhấn mạnh sự đồng lòng, nỗ lực của mỗi người dân doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong đó nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực ngành nghề đã góp phần giảm thời gian, chi phí nhân lực, cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phát sinh rủi ro nhất định về rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện.

"Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về Hải quan, việc nhận diện nguy cơ rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện nói chung, chương trình nhờ thu thuế điện tử đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước và công tác phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của ngành Hải quan…", ông Nguyễn Huy Công chia sẻ.

Mỹ Hoà và nhóm PV, BTV