Trước đó, tại phiên tòa được mở hồi đầu tháng 1, HĐXX trả hồ sơ vụ án cho VKS, yêu cầu làm rõ thêm hành vi của một số bị cáo và các tình tiết khác liên quan.

Cáo buộc cho rằng, bà Thành đã thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của các ngân hàng NCB, PVcombank, VietABank và các cá nhân khác nhau.

Từ ngày 18/6- 21/8/2018, bà Thành vay của ông Đặng Nghĩa T. 50 tỷ đồng. Bị cáo yêu cầu ông T. gửi tiền tiết kiệm thành nhiều sổ, đứng tên hai vợ chồng ông vào Ngân hàng NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho bà Thành giữ.

Sau đó bà Thành đã cùng Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với các công ty khác và lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên Ngân hàng NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân. Cả hai ký giả chữ ký của vợ chồng ông T. trên các chứng từ, chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng.

Các bị cáo tại tòa

Tương tự, bà Thành vay của ông T. 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông T. gửi tiền tiết kiệm đứng tên hai vợ chồng ông vào Ngân hàng PVcombank, rồi đưa sổ tiết kiệm cho bị cáo giữ.

Bà Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Hoàng Nguyên.

Cả hai lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên Ngân hàng PVcombank trong hoạt động thu thập hồ sơ, thẩm định cấp tín dụng và giải ngân để giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông T. trên chứng từ hợp đồng cầm cố tiền gửi trong hồ sơ cấp tín dụng để được giải ngân, chiếm đoạt của PVcombank 49,4 tỷ đồng.

Ở phiên tòa hồi tháng 1, HĐXX cho rằng, cần làm rõ việc vợ chồng ông T. có mục đích gì khác, có đồng phạm không? và cũng cần làm rõ thêm hành vi của một số bị cáo khác cũng như số tiền thu lợi bất chính của một số bị cáo...

Phúc đáp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án của tòa, VKSND TP Hà Nội cho rằng, tại CQĐT, ông T. khai: Nguyễn Thị Hà Thành là nhân viên ngân hàng huy động vốn cho các ngân hàng.

Số tiền 122 tỷ đồng là tiền ông T. gửi tiết kiệm vào 3 ngân hàng NCB, PVCombank và VietABank để hưởng lãi suất theo quy định. Ông T. và bị cáo Thành thỏa thuận với nhau, ngoài số tiền lãi trên, ông còn được bà Thành trả cho khoản lãi thưởng tương đương với lãi suất ngân hàng. 

Để tránh việc ông T. rút tiền tiết kiệm trước thời hạn, ảnh hưởng tới chỉ tiêu huy động của bị cáo nên ông T. phải giao các sổ tiết kiệm để bị cáo giữ. 

Tuy nhiên, căn cứ vào lời khai của bị cáo Thành và các tài liệu trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ khẳng định, giao dịch giữa ông T. và bà Thành là giao dịch cho vay tiền để hưởng lãi suất. 

Vợ chồng ông T. khai không biết bị cáo sử dụng các sổ tiết kiệm như thế nào. Vợ chồng ông không tham gia vào việc thế chấp các sổ tiết kiệm để bị cáo Thành vay tiền của ngân hàng. 

Ông T. cũng không nhận được văn bản của ngân hàng thông báo các sổ tiết kiệm bị cầm cố. Hàng tháng, ông vẫn được ngân hàng trả lãi vào các tài khoản mà không có việc phong tỏa sổ tiết kiệm và tiền lãi. 

Sau khi biết tin sổ tiết kiệm của mình đang bị bảo đảm cho khoản vay của Công ty Jeongho, ông T. đã yêu cầu bị cáo Thành viết giấy xác nhận đề ngày 10/11/2017 có nội dung: “Bà Thành là nhân viên ngân hàng, đang cần huy động tiền gửi vào ngân hàng để lấy chỉ tiêu, nên đề nghị ông T. gửi tiền vào ngân hàng, bà Thành sẽ trả tiền lãi thưởng. Ngược lại, bà Thành yêu cầu ông T. đưa sổ tiết kiệm cho bà Thành giữ để tránh việc rút tiền gửi trước hạn”.

T.Nhung