Đi đầu trong xu thế này là hãng thương mại điện tử (TMĐT) khổng lồ Amazon. Mấy năm gần đây, Amazon đã ứng dụng hàng loạt máy móc quét hàng hóa đi xuống băng chuyền, đặt chúng vào nhiều hộp được chế tạo riêng cho từng món hàng. Theo tính toán, mỗi chiếc máy trị giá khoảng 1 triệu USD này thay thế được 24 lao động trực tiếp.
Thực tế, Amazon không phải hãng duy nhất thử nghiệm công nghệ đóng gói của công ty Ý CMC mà Shutterfly cũng sử dụng máy của hãng này. Walmart cách đây 3,5 năm cũng thử công nghệ đóng gói tại một số cơ sở ở Mỹ.
Ứng dụng công nghệ tự động sẽ giải quyết được khâu phức tạp nhất của quá trình vận chuyển và giao nhận hàng hoá. |
Mới đây, tại Việt Nam, Giao Hàng Nhanh (GHN) cũng triển khai hệ thống phân loại hoàn toàn tự động, có khả năng phân loại 30.000 đơn hàng/giờ tại kho Long Biên, Hà Nội. Hệ thống tiếp theo sẽ được ứng dụng ở TP.HCM vào cuối năm nay.
Các chuyên gia của Amazon cho hay, việc ứng dụng công nghệ mới là nhằm mục đích tăng sự an toàn, tăng tốc độ giao hàng và tăng hiệu quả mạng lưới. Ngoài ra, công nghệ cũng được kỳ vọng là giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền để đầu tư vào dịch vụ mới cho khách hàng.
Trong khi đó, ông Lương Duy Hoài, Giám đốc điều hành GHN cho rằng, công nghệ này sẽ là bước đột phá trong ngành giao nhận vốn được coi là ngành truyền thống. "Nếu trước đây, chúng tôi phân loại thủ công với quy mô lớn, có thể phải mất 3 tiếng để phân loại hàng thì bây giờ chỉ cần 30 phút cho cùng lượng đơn hàng tương tự, từ đó giúp hàng hóa tới các kho giao nhận và tới tay khách hàng trong ngày", ông Hoài nói.
Thực tế, kỳ vọng của người bán và người mua về thương mại điện tử đang tăng dần trong hai yếu tố: tốc độ giao hàng nhanh và dịch vụ tin cậy. Trong khi việc phân loại hiện nay đa số được thực hiện thủ công (đây đang là nút cổ chai cho cả quá trình) thì ứng dụng công nghệ tự động sẽ giải quyết được khâu ách tắc này.
Hải Nam