Một số doanh nghiệp lợi dụng việc xây dựng thang, bảng lương mới để hạ lương của người lao động.

Trong đơn gửi đến chúng tôi mới đây, tập thể công nhân (CN) Công ty V.P (KCN Tân Bình, TP HCM) bức xúc: “Sau nhiều năm làm việc và cống hiến cho công ty, chúng tôi mới được hưởng mức lương 4.370.000 đồng/tháng (hệ số lương 3.80 x mức lương cơ sở) và đóng BHXH với mức lương này. Thế nhưng, từ đầu năm 2016, không hiểu vì lý do gì mà công ty lại thông báo sẽ đóng BHXH cho CN ở mức lương 3,5 triệu đồng/tháng, bằng mức lương tối thiểu vùng. Việc hạ mức lương như vậy khiến chúng tôi thiệt thòi quyền lợi về BHXH sau này”.

Không đồng ý thì nghỉ

Trao đổi về vấn đề CN thắc mắc, ông Đoàn Đình Thiêm, chủ tịch HĐQT công ty, cho biết V.P được cổ phần hóa từ một doanh nghiệp (DN) nhà nước nên từ trước đến nay vẫn áp dụng hệ thống thang, bảng lương của nhà nước (theo Nghị định 205/CP). 

{keywords}
Nhiều DN lợi dụng chính sách mới để hạ lương.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, công ty gặp khó khăn, không kham nổi việc trả lương, đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) ở mức lương cũ nên chuyển sang trả lương theo thực tế. Hơn nữa, DN phải xây dựng thang, bảng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động.

Do vậy, trong đợt điều chỉnh lương lần này, số lao động gián tiếp được giữ nguyên mức lương cũ, riêng CN trực tiếp được điều chỉnh về 2 bậc: 3,5 triệu đồng/tháng (CN mới) và 3,8 triệu đồng/tháng (CN lâu năm).

CN tên T. bức xúc: “Mức lương 3,8 triệu đồng chỉ bằng mức lương dành cho CN mới, đã qua đào tạo nghề. Tôi có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại công ty mà giờ lại được đánh đồng với người mới, liệu có hợp lý không?”.

Cũng theo CN, tuy chưa xây dựng thang, bảng lương mới nhưng từ đầu năm 2016, công ty đã thỏa thuận với cơ quan BHXH đóng BHXH cho NLĐ dựa trên mức lương tối thiểu vùng 3,5 triệu đồng/tháng.

Ông Thiêm khẳng định khả năng của công ty chỉ đến đó, nếu ai đồng ý thì ký lại hợp đồng lao động, ai không đồng ý thì nghỉ. Trường hợp NLĐ muốn giữ mức đóng BHXH cũ thì tự bỏ tiền đóng khoản chênh lệch.

Vì luật chưa chặt chẽ?

Việc DN lấy lý do khó khăn phải tái cấu trúc; xây dựng lại thang, bảng lương theo quy định mới nhằm kéo giảm mức lương của NLĐ đang xảy ra khá phổ biến. Hồi đầu tháng 3-2016, hơn 60 CN có thâm niên làm việc từ 20-30 năm ở một DN tại quận 10, TP HCM cũng rất bức xúc khi công ty công bố thang, bảng lương mới, kéo giảm từ 10%-50% so với trước.

Hay như trường hợp một công ty may ở Đồng Nai. Đầu năm 2016, công ty xây dựng thang, bảng lương mới khiến mức lương của nhiều CN từ gần 6 triệu đồng giảm còn 4,5 triệu đồng/tháng. Thấy quá thiệt thòi, CN phản ứng thì nhận được câu trả lời: Công ty xây dựng thang, bảng lương đúng quy định. Khi khiếu nại đến các cơ quan chức năng địa phương thì kết quả cũng không thay đổi.

Theo một cán bộ Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, việc xây dựng thang, bảng lương của DN không trái quy định như không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, mức lương thấp nhất trả cho lao động qua đào tạo phải cao hơn lương tối thiểu vùng ít nhất 7%, chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ít nhất bằng 5%...

Mặt khác, luật cũng không bắt buộc DN khi xây dựng thang, bảng lương mới mỗi chức danh phải có bao nhiêu bậc hay mức lương mới phải tương ứng với mức lương cũ nên cơ quan chức năng khó can thiệp được. “Tuy vậy, xét về tình, tùy theo thâm niên và mức độ cống hiến của NLĐ, mức lương mới mà DN trả cho NLĐ không được thấp hơn mức lương cũ thì mới hợp lý” - vị cán bộ này nói.

Tùy tiện hạ lương là phạm luật

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, tiền lương là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động. Do vậy, khi muốn thay đổi nội dung về tiền lương, người sử dụng lao động phải thương lượng với NLĐ. Nếu không thỏa thuận được thì phải tiếp tục thực hiện tiền lương theo hợp đồng lao động đã ký trước đó. Trường hợp DN tùy tiện thay đổi, gây thiệt hại cho NLĐ là vi phạm pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải kiểm tra, xử phạt.

Theo NLD