Vừa qua, cụ rùa Hồ Gươm, tưởng như đã rất già yếu, với bệnh tật đầy mình, đã xé toạc mấy lần lưới của nhóm đánh bắt để thoát ra ngoài. Sự việc này đã gây ngỡ ngàng cho cả những nhà khoa học, những người đánh bắt và hàng ngàn người chứng kiến tận mắt. Vậy loài rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ, mà người dân nhiều nơi gọi là con giải này khỏe như thế nào?


Dùng xà beng mới giết được rùa

Thời Lê Lợi, hoặc trước nữa, không ai biết Hồ Gươm có bao nhiêu rùa khổng lồ, có thể là rất nhiều. Cách nay vài chục năm, Hồ Gươm vẫn còn khá nhiều rùa lớn.

Thời bao cấp, Hồ Gươm cùng với một số hồ ở Hà Nội được giao cho một công ty chuyên đánh bắt thủy sản làm kinh tế. Doanh nghiệp này thả cá, nuôi cá, rồi đánh bắt cá. Khỏi phải nói họ ghét loài rùa khổng lồ trong Hồ Gươm như thế nào, không những rùa xơi vãn cá, mà còn phá đám chuyện đánh bắt cá của các công nhân.

Cụ rùa này bị đâm bằng xà beng thủng phổi song mấy ngày sau mới chết. 
Mỗi khi quây lưới gom cá lại, các cụ rùa lại đội lưới chui ra, làm hàng tấn cá cũng thoát ra theo. Thậm chí, hứng lên, hay cáu tiết, thì các cụ dùng hàm răng cực khỏe, cùng những móng vuốt cực sắc xé rách toang lưới. Cỡ lưới đánh cá, các cụ xé đơn giản như xé vải mục. Chính vì lẽ thế, hễ gặp “ba ba” khổng lồ, là đám công nhân đều tìm cách triệt hạ như kẻ thù.

Hầu hết các cụ rùa đều đã bị tiêu diệt trong thời gian này. Thịt bị xẻ ra bán như thực phẩm thông thường, xương đem nấu cao, mai dùng làm thuốc. Hiện chỉ còn lại một tiêu bản trong đền Ngọc Sơn, một bộ cốt trong Bảo tàng Hà Nội và may mắn là còn lại duy nhất cụ rùa ốm yếu, già cả lặn ngụp dưới hồ.

Nhớ lại cụ rùa nặng hơn 2 tạ hiện đang “ngự” trong đền Ngọc Sơn, mới thấy cụ khỏe như thế nào.

Hồi đó, vào khoảng cuối tháng 5-1967, trong khi nhóm thợ đánh cá thuê cho Quốc doanh cá kéo lưới, thì thấy một vật cản lớn. Nhóm thợ biết rằng rùa đã dính lưới. Cả chục người không những không kéo nổi lưới, mà còn bị rùa kéo lật ngược. Đã nhiều lần bị rùa xé lưới, phá đám mà không làm sao được, nên mỗi khi triển khai đánh cá, nhóm thợ này đều thủ một chiếc xà beng dài ngoằng, nặng trịch và mũi cực kỳ sắc nhọn với hy vọng sẽ tiêu diệt được rùa.

Khi rùa đang xé lưới tìm cách thoát thân và giải thoát cho đàn cá, thì anh công nhân lực lưỡng tên Thu chèo thuyền tiến lại. Xác định được vị trí rùa đang xé lưới, anh ta vác xà beng giương thật cao, rồi dùng hết sức bình sinh phóng thẳng vào lưng rùa.

Với hàm răng cực khỏe và móng vuốt cực sắc, không loại lưới đánh cá nào có thể chịu được. 
Nhát đâm chí tử, cực mạnh, khiến xà beng xuyên qua lớp mai, thủng phổi. Nhát đâm rất sâu, khiến xà beng dính chặt vào rùa, không rút ra được. Rùa đau quá, hoảng hốt xé lưới chạy vọt ra ngoài, kéo theo anh chàng Thu phăng phăng trên mặt nước. Cuộc vật lộn diễn ra khá lâu. Cuối cùng, xà beng tuột khỏi cơ thể rùa, anh công nhân Thu cũng mệt phờ râu trê.

Phải đến mấy ngày sau, cụ rùa khổng lồ này mới đuối sức, nổi lều phều lên khỏi mặt nước, chỗ nhà hàng Thủy Tạ bây giờ.

Ông Trần Trọng Dần (nhà cạnh đầm Minh Quân, Yên Bái) kể rằng, giải khổng lồ thường xuyên xé lưới, vó của người dân. 
Mười mấy công nhân của Quốc doanh cá đã nhảy xuống vật lộn kéo cụ rùa ngắc ngoải lên bờ. Người ta đã dùng thước đo, thấy chiều dài của rùa lên tới 2,1m, ngang 1,2m và cao 0,3m. Các bác sĩ khám nghiệm thấy vết thương trên lưng có đường kính 5cm và thủng phổi. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy vết thương khủng khiếp như thế, mà cụ vẫn sống được thêm vài ngày nữa.

Săn rùa bằng lao thép

Cách đây vài chục năm, rùa Hồ Gươm khổng lồ có rất nhiều ở các đầm, hồ ven sông Hồng thuộc Phú Thọ và Yên Bái. Người dân đã quá quen với loài này, song không phải ai cũng bắt được chúng.

Ở đầm Ao Châu ngày đó xuất hiện nhóm thợ săn gồm ông Tô Ban và hai anh em công Nguyễn Văn Ao, Nguyễn Văn Ước. Ba người này là những thanh niên trai tráng, cực kỳ khỏe mạnh và có bí quyết săn rùa do cha ông truyền lại. Chỉ họ mới có khả năng tóm được rùa khổng lồ.

Ông Nguyễn Văn Thường kể rằng, rùa khổng lồ ở đầm Ao Châu là loài cực khỏe. Nếu ở dưới nước, vài chục người cũng không thể vật được nó. 
Ông Nguyễn Văn Thường, 80 tuổi, sống ở cạnh đầm Ao Châu, thi thoảng đi săn cùng nhóm ông Tô Ban kể: “Giải là loài khỏe vô địch cả ở dưới nước lẫn trên bờ. Nếu ở dưới nước, dùng tay không, dù vài chục người cũng không thể vật được nó. Người dân đánh cá hàng trăm năm nay ở đầm, tóm được cả trắm đen nặng 50-60kg, song chưa bao giờ tóm được giải. Tất cả các loại lưới đều bị nó xé toạc”.

Để săn được rùa, nhóm ông Tô Ban có kỹ nghệ riêng. Họ đóng một chiếc thuyền trông như cái đĩa, lướt trên mặt hồ không gây tiếng động, sóng lớn. Thuyền kiểu này đi chậm, nhưng rất vững chãi, khó bị lật.

Dụng cụ săn rùa là những chiếc lao bằng thép rất sắc bén và những chiếc búa sắt lớn.

Khi gặp rùa nổi ở chỗ nông, họ chèo thuyền nhẹ nhàng tiến đến. Loài rùa tuy to xác, nhưng nhát, nên gặp người là lặn ngay.

Khi chúng chạy dưới mặt bùn, sẽ tạo thành hai đường tăm khá đều đặn. Nhóm thợ săn sẽ chèo 2 chiếc thuyền đuổi theo, rồi dùng lao sắt đâm mạnh. Khi đâm trúng lưng rùa, họ tiếp tục dùng búa đóng lao thấu vào phần nội tạng của rùa. Những chiếc lao liên tiếp được phóng xuống và liên tiếp được đóng sâu vào thân rùa.

Với những con rùa nặng trên một tạ, cuộc vây bắt diễn ra có thể nhiều giờ đồng hồ. Dù cả chục chiếc lao sắt đã đâm chi chít vào lưng rùa, song nó vẫn còn rất khỏe và hung tợn. Nhóm săn rùa làm việc liên tục, mệt lả người mới khuất phục được nó. Khi rùa đuối sức, họ dùng móc sắt lật ngửa rùa lên, dùng lạt mềm trói chân, buộc mồm rùa lại, rồi khênh nó lên bờ xẻ thịt.

Ông Nguyễn Văn Thường kể, hồi thập kỷ 70, nhóm ông Tô Ban kéo được con rùa nặng 250kg lên bờ. Dù đã bị cả chục chiếc lao cắm, thủng cả phổi, lòi cả ruột, song con rùa vẫn rất khỏe. Một người đưa cây tre đực vào miệng rùa, nó ngậm chặt. Mấy thanh niên dốc sức kéo cây tre mà không ra được. Hàm răng sắc nhọn của nó nghiến một lúc thì khúc tre đặc to bằng bắp chân nát bét.

Theo ông Thường, với sức mạnh của hàm răng và móng vuốt rùa, không loại lưới nào có thể chịu được. Chuyện cụ rùa Hồ Gươm xé lưới như xé vải mục cũng là điều dễ hiểu.

(Theo VTC)