Được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng ngập mặn trù phú, trải dài ở nhiều địa phương. Rừng ngập mặn không chỉ mang đến nguồn lợi thuỷ sản phong phú  mà còn là lá chắn giúp giảm thiểu thiên tai, bão lũ trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng.

Phát huy những giá trị đa dạng của nguồn tài nguyên thiên nhiên, rừng ngập mặn không chỉ giúp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu mà người dân ở khu vực rừng ngập mặn còn có nhiều cơ hội có nguồn sinh kế ổn định và bền vững nhờ những cánh rừng này.

Hàng chục năm trước đây, nhiều khu rừng ngập mặn bị chặt phá khiến vai trò của rừng ngập mặn không còn để chắn sóng, hay giúp giảm thiểu thiên tai, bão lũ. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, xác định vai trò của rừng ngập mặn rất quan trọng và thiết thực đối với đời sống con người, nhiều cánh rừng ngập mặn đã được các địa phương khôi phục lại và trồng thêm cây phát triển rộng diện tích rừng. Đến nay, nhiều khu rừng ngập mặn đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống của người dân.

Rừng ngập mặn Đại Hợp ở huyện Kiến Thuỵ (TP Hải Phòng) là một trong những khu rừng như vậy. Rừng ngập mặn nơi đây có diện tích hơn 450 ha, với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng, cùng nhiều loài cây... có vai trò quan trọng, vừa được ví là lá phổi xanh điều hoà thời tiết, vừa phòng chống thiên tai.

Với hệ thực vật cực kỳ phong phú, trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài động vật và thủy sinh, cá,… tạo ra giá trị kinh tế ven biển; trong đó phải kể đến nguồn hải sản tự nhiên có giá trị cao như cá bống, cá bớp, cua biển, bông thùa...., và nhất là việc nuôi ong lấy mật dưới tán rừng với năng suất và chất lượng cao, mang đặc trưng riêng của vùng.

Ông Trần Biên Thuỳ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thuỵ (TP Hải Phòng) cho biết: Hiện nay, diện tích rừng ngập mặn ở Đại Hợp được nhân dân chăm sóc và bảo vệ. Việc trồng rừng đươc đánh giá có hiệu quả kinh tế rất cao, trong đó phải kể đến mô hình phát trển kinh tế nuôi ong rừng ngập mặn. Bên cạnh đó còn có các sản phẩm thuỷ hải sản phát triển trong rừng ngập mặn như cá, tôm, cua, cáy… là nguồn sinh kế cho các hộ dân xung quanh khu vực cũng như nhân dân ở địa phương

Hàng năm xã Đại Hợp tiến hành trồng bổ sung rừng ngập mặn để tăng thêm diện tích, tạo ra "lá chắn xanh" bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời góp phần phát triển kinh tế ven biển.

W-rừng ngập mặn.jpg
Rừng ngập mặn không chỉ là "bức tường xanh" bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn ở khu vực ven biển, góp phần phát triển kinh tế biển. Ảnh: Hải Yến

Tương tự, vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) có diện tích hàng nghìn ha và hàng năm vẫn tiếp tục được bồi tụ tiến ra biển từ 80 - 100m. Nhiều năm qua, với sự nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ của người dân, chính quyền địa phương và sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, nơi đây dần được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng ngập mặn. 

Không chỉ là "bức tường xanh" bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển, rừng ngập mặn Kim Sơn còn tạo ra sinh kế bền vững cho người dân sống quanh vùng. Trong đó, nuôi ong lấy mật là một mô hình tiêu biểu. Mỗi mùa hoa sú, vẹt có khoảng 20 chủ nuôi với khoảng 5 nghìn đàn ong về lấy mật, sản lượng mật vào khoảng 50-70 tấn, giá trị hàng tỷ đồng. 

Còn rừng dừa Bảy Mẫu ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) ngoài chức năng là rừng phòng hộ mà còn có vai trò là khu rừng đêm để thiết lập sinh quyển khu vực ven biển Quảng Nam; rừng không chỉ là lá chắn sóng hạn chế sạt lở, mỗi khi vào mùa mưa bão, tàu thuyền ở biển đã về khu rừng dừa này để tránh trú rất an toàn; rừng còn là điểm đến du lịch nhiều du khách, tạo ra giá trị kinh tế lớn cho người dân Cẩm Thanh.

Tại Quảng Ninh, rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó trước biến đổi khí hậu. Đồng thời còn mang lại lợi ích về sinh kế bền vững cho người dân vùng cửa sông, ven biển của tỉnh.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có tổng số 19.300ha rừng ngập mặn phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển ở nhiều địa phương như: Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Yên, Vân Đồn... Trong đó rừng ngập mặn phòng hộ gần 16.000ha; rừng ngập mặn sản xuất gần 4.000ha và rừng ngập mặn đặc dụng 26ha. 

Thực hiện đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó bao gồm rừng ngập mặn, gắn với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Việc trồng và bảo vệ rừng ngập mặn được xác định là một trong những giải pháp tối ưu để thích ứng và hạn chế tác động của thiên tai, vừa bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển. 

Hiện nay, tại huyện Hải Hà đang duy trì trên 1.450ha rừng ngập mặn, trong đó có hơn 1.300ha rừng tự nhiên; huyện Tiên Yên có gần 3.700ha rừng ngập mặn, cũng là một trong những địa phương có hệ thống rừng sinh thái ngập mặn lớn của tỉnh; huyện Đầm Hà có tổng diện tích rừng ngập mặn gần 2.600ha. 

Trước bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng như hiện nay, rừng ngập mặn còn khẳng định được vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp giảm thiểu và ngăn chặn sóng biển và nước biển dâng cao, đồng thời bảo vệ cuộc sống của dân cư cũng như hạ tầng ven biển. 

Do đó, việc phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn vừa phát huy giá trị của rừng ngập mặn không chỉ giúp giảm nhẹ việc biến đổi khí hậu mà còn tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và sinh kế bền vững của người dân, góp phần phát triển bền vững kinh tế biến.

Hải Yến