Từ ngày 1/1/2020 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực, cùng "xuất quân" là Nghị định 100/2019 có hiệu lực chỉ sau 1 ngày ban hành, đã gây một cơn địa chấn trong giới "zô - zô - 100%" của người Việt.

Bởi quy định "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" tức là nồng độ cồn phải bằng 0.

Tương ứng với đó là các mức phạt rất cao. Trường hợp cao nhất, nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển ô tô, 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng đối với xe mô tô, 400-600 ngàn đồng với xe đạp, xe thô sơ.

Về vấn đề này, cũng như văn hóa đốt pháo trước đây, uống rượu bia lâu nay đã trở nên thịnh hành đến nỗi trở thành một nét văn hóa ở Việt Nam, văn hóa "chén rượu, cốc bia là đầu câu chuyện".

{keywords}
Nhân cơ hội luật pháp phạt nặng uống rượu bia khi lái xe, người Việt chúng ta cũng nên tự phát triển rèn luyện năng lực tự tin giao tiếp của mỗi người mà không phải nhờ tới rượu bia để "rượu vào lời ra" nữa. 

Thế nhưng cũng lại mang tai họa như đốt pháo, văn hóa rượu bia này đã gây nên không biết bao nhiêu thảm kịch tai nạn giao thông kinh hoàng, chưa kể các vụ án đâm chém nhau vì uống rượu bia làm mất tự chủ. Tại bệnh viện Việt Đức, theo dõi cho thấy nạn nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu chiếm tới 62%. Còn tại Viện Pháp y Quốc gia, xét nghiệm số người tử vong do tai nạn giao thông thì tới 34% có nồng độ cồn.

Ngoài ra theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế, rượu, bia chiếm thứ tư trong 8 nguy cơ lớn nhất gây bệnh tật ở Việt Nam, gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. Thứ đồ uống có cồn này tàn phá sinh mệnh con người một cách âm thầm, tỷ lệ tử vong thậm chí còn nhiều hơn cả đại dịch HIV/AIDS.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu, bia khi vào cơ thể chỉ 2-8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở; còn lại hấp thu vào gan, thận; đặc biệt là gan - cơ quan chịu hủy hoại đầu tiên. Đồ uống có cồn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, khoảng 21% số người tử vong do bệnh ung thư có thể tránh được nếu không sử dụng rượu, bia.

Thống kê cho thấy, mỗi năm người Việt chi tới cỡ 3 tỷ USD tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia và gần 68 triệu lít rượu để... chết vì tai nạn, bệnh tật hiểm nghèo do rượu bia. Một số tiền lãng phí khủng khiếp để người Việt...rước họa vào thân! Trong khi đó, số tiền 3 tỷ USD có thể mua được hàng tỷ lít sữa cứu cho hàng triệu trẻ em vẫn còn đang bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam.

Mặc dù tác hại của rượu bia khủng khiếp  như vậy, tuy nhiên cần nhận ra văn hóa uống rượu bia xuất phát từ đặc tính là một chất kích thích thần kinh.

Bấy lâu nay chúng ta trong lúc giao tiếp cứ phải dựa vào rượu bia để "rượu vào lời ra", không có rượu bia kích thích thì nói chuyện không hăng hái, không vui, không khí giao tiếp chùng hẳn xuống, thiếu cởi mở, nồng nhiệt. Không có rượu bia, người ta nói chuyện với nhau rất nhanh nhạt, chóng hết chuyện để nói, chẳng mấy chốc mà buổi nói chuyện rơi vào lúng túng, cụt hứng.

Người Việt đã có câu thành ngữ: "Nam vô tửu như kỳ vô phong". Tức là người đàn ông mà không có rượu vào thì tinh thần rũ xuống như ngọn cờ không có gió vậy. Chính vì thế mà các "ngọn cờ" ở xứ ta cứ phải ra sức "mượn gió" để "phất lên".

Nhưng khổ một nỗi, các "ngọn cờ” phất lên nhờ gió theo kiểu này thì sớm muộn ngọn cờ nào cũng ...gãy đổ vì tai nạn hay bệnh tật.  Vì thứ "gió" do rượu bia tạo nên lại là "gió độc", bẻ gãy ngọn cờ bất ngờ lúc nào không biết.

Như vậy, chứng tỏ một điểm yếu trong hoạt động ngôn ngữ của não bộ người Việt là: thiếu tự tin khi phải giao tiếp chủ động. Vì thiếu tự tin nên phải nhờ tới rượu bia kích thích mới diễn thuyết hùng biện được trong các buổi nói chuyện.

Rõ ràng, nếu cứ tiếp tục lún sâu phụ thuộc vào rượu bia kích thích khi giao tiếp thì não bộ chúng ta sẽ mất khả năng chủ động trong giao tiếp, đặc biệt là khả năng tự tin diễn thuyết, hùng biện trước người khác. Và trong khi cứ tiếp tục mượn rượu bia kích thích giao tiếp thì lại còn gây nên những hậu quả tai nạn, bệnh tật khủng khiếp như đã nói trên. Cho nên đã đến lúc xã hội chúng ta phải thay đổi tư duy, không thể "phất cờ" tinh thần bằng rượu bia nữa, mà phải bằng chính nội lực ý chí của chúng ta.

Vì vậy, nhân cơ hội luật pháp phạt nặng uống rượu bia khi lái xe, người Việt chúng ta cũng nên tự phát triển rèn luyện năng lực tự tin giao tiếp của mỗi người mà không phải nhờ tới rượu bia để "rượu vào lời ra" nữa.

Được như vậy thì năng lực giao tiếp của người Việt trên bàn đàm phán mọi công việc, kể cả ngoại giao trên chính trường, cũng phát triển hơn. Đó là điều cuối cùng rất có ích cho dân tộc chúng ta.

Tuy nhiên dù cũng "xuôi xuôi" ủng hộ chế tài mạnh này, nhưng dư luận lại đang xôn xao về thông tin ăn vài quả vải, uống siro ho thở vào máy cũng báo có cồn, khiến cho người dân có nguy cơ bị phạt oan.

Nhiều người cho rằng, lẽ ra phải quy định như đa số các nước khác là nồng độ cồn đo được phải ở mức gây hại thì mới xử phạt. Đằng này, Luật và Nghị định lại "bắt nhầm còn hơn bỏ sót", tính sai số rất nhiều, phạt cả với nồng độ cồn thấp không gây hại như trường hợp ăn hoa quả, uống thuốc có cồn.

Về vấn đề này, để hiểu được một quy định pháp luật là đúng đắn hay không, lại phải đi từ cái gốc bản chất của nó. Khi bàn về pháp luật cần nhớ một nguyên tắc rằng: Giữa văn hóa và luật pháp luôn có mối quan hệ gắn bó, biện chứng, chi phối nhau.

Cho nên, có những quy định pháp luật nghe qua tưởng như vô lý nhưng lại có lý khi đặt nó ở vào một nền văn hóa phù hợp với nó. Ngược lại, có những quy định nghe tưởng có lý nhưng khi đặt vào một nền văn hóa không phù hợp thì nó lại trở nên bất hợp  lý, vì không khả thi.

Như vậy một quy luật pháp luật có đúng đắn hay không, là phụ thuộc việc có phù hợp với văn hóa hay không. Và việc ban hành quy định pháp luật là phải xuất phát từ kiến thức về văn hóa trước tiên, chứ không phải kiến thức về toán học. Luôn luôn, pháp luật chỉ đúng đắn được, khi nó được nhìn từ góc độ văn hóa trước đã.

Văn hóa Việt Nam xưa nay vẫn có một nét "nổi tiếng" là cái gì người Việt cũng thích du di một tí. Chẳng hạn ngay chuyện giờ đi làm hay tan tầm, dù đã ấn định là 7h làm 5h về, nhưng đại đa số người Việt không đến đúng giờ về đúng giờ, cứ phải đi muộn về sớm vài phút, vài chục phút. Hoặc dừng đỗ đèn đỏ cũng vậy, nhiều người cứ phải lấn vạch một tí hoặc đèn xanh chưa kịp bật đã chạy sớm hơn vài giây, đèn vàng đã bật cũng cố vượt trước vài giây. Hay như bán hàng mặt đường, thì hầu như  nhà nào cũng thích lấn chiếm vỉa hè một tí.

Thế cho nên ở đây, nếu quy định như các nước khác chỉ phạt khi nồng độ cồn đến mức có hại, thì người Việt ta lại du di, "lấn tí", vẫn uống rượu bia khi lái xe. Mà lúc đã uống, thì ai mà còn đi cân đo, cũng không có đủ kiến thức để cân đo, xem chén rượu cốc bia của mình nó sẽ gây ra nồng độ cồn là bao nhiêu miligam/lít khí thở để tránh bị phạt!? Đã được "zô - zô" thì chẳng còn ai giữ được nồng độ cồn ở dưới mức cho phép nữa.

Cho nên, khi văn hóa người Việt vẫn còn có tính thích du di, "lấn tí" chứ không được nói sao làm vậy như văn hóa người nước khác, thì quy định pháp luật phòng xa theo kiểu "phòng cháy hơn chữa cháy" lại là đúng đắn, phù hợp với văn hóa Việt hơn cả.

Chuyện ăn vài quả vải, uống siro ho thở vào máy cũng báo có cồn, thì vì lượng cồn những thứ đó trong máu thấp hơn nhiều so với rượu bia nên có thể sàng lọc ở bước 2 được. Thực ra, cồn chỉ có hại khi đã ở trong máu làm ảnh hưởng đến chức năng của não bộ.

Do văn hóa Việt "trăm cái lý không bằng một tí cái tình" nên vẫn tồn tại tình trạng người vi phạm xin "các anh thông cảm" cưa đôi vi phạm, mức phạt nặng lại cần phải đi đôi kỷ luật nghiêm lực lượng chức năng. Cán bộ chiến sĩ nào bị phát hiện "thông cảm" vi phạm với số tiền lớn đến đâu thì cứ theo luật hình sự về tội nhận hối lộ mà xử lý nghiêm khắc. Có như vậy chế tài xử lý vi phạm nghiêm khắc mới không bị "bào mòn" làm vô hiệu hóa hoặc giảm đi tính răn đe của nó.

Phạm Mạnh Hà