Khác với cuốn sách đầu tiên Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương phác họa toàn cảnh về vùng đất thì trong tập 2 Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó! tác giả Cù Mai Công tập trung hoàn toàn cho những con đường, ngõ hẻm, hàng quán, cùng vô số chân dung cụ thể với các chuyện kể, giai thoại… để khắc hoạ bản sắc vùng Ông Tạ, cốt cách người Ông Tạ. 

Tác giả còn dành riêng hai chương cho hai con ngõ đặc biệt: Ngõ Con Mắt có nhiều nhân vật, văn nghệ sĩ khác thường; và ngõ Cổng Bom với chỉ hơn 100 nóc nhà, cư dân tần tảo, một nắng hai sương. 

Dù ở chương nào, kể về khu nào hay khung trời nào, Cù Mai Công đều ôn lại từng quán cà phê, xe phở, gánh canh bún, lò bánh mì, tiệm hớt tóc, gánh nước mía, gánh cháo lòng… mà anh biết.

Độc giả được hồi tưởng về các món ăn thân thuộc Ông Tạ xưa (như kẹo lạc, trà Bắc, kẹo dừa nhào đường mật, bún chả, gỏi cuốn, bò viên, đậu hũ miến chiên giòn…).

Tác giả cũng kể đến từng cây mai, cây ổi, cây khế, một con hẻm cụt, cánh đồng rau muống, khu nghĩa địa, hồ bơi, rạp hát… Đi kèm với đó là rất nhiều những mẩu chuyện, kỷ niệm, giai thoại không đầu không cuối, hoặc ly kỳ, cảm động, hài hước hoặc rất… vu vơ. 

Nhưng độc giả dần nhận ra trong vô số những địa danh, hàng quán, con người đó, tác giả chỉ cốt có một dụng ý là dựng lại không khí sống động, tươi đẹp, nhiều niềm vui và tình yêu thương - điều nhiều dân Ông Tạ ngày nay luôn quay quắt nhớ về. 

Về con người, Cù Mai Công kể từ văn nghệ sĩ cho đến lính tráng, từ doanh nhân nổi tiếng cho đến bà con vô danh, tần tảo, từ nhà báo, công chức, mục sư cho đến… giang hồ. Qua những chân dung khác nhau, tác giả cũng phần nào làm rõ cốt cách của người Ông Tạ: như thóc với khoai, chan hòa, giản dị.

Chương cảm xúc nhất của cuốn sách dường như lại nằm ở gần cuối - khi Cù Mai Công kể về “xóm Đại Lợi của tôi”. Trong đó, anh viết rất kỹ và cảm động về tình cảm, tâm tư những người hàng xóm láng giềng. 

Xóm Đại Lợi, theo tác giả, như đại diện rõ nhất cho nét bản sắc của người Ông Tạ: Có người gốc Bắc, có người Nam, có người quê miền Trung, có người Tàu nhưng họ sống chung với nhau thuận hoà, đùm bọc, yêu thương. Đọc cuốn sách, ta cũng biết hơn về những thân phận đi qua thời bao cấp nhiều vất vả. 

Bắc - Trung - Nam sống đẹp bên nhau, gần gũi và học hỏi nhau, chỉnh sửa cho nhau mọi điều, kể cả giọng nói, ẩm thực... Sau năm 1975, bà con xứ khác về đây nhiều hơn. Tất cả đều thành một gia đình mà giờ có người xa nhau đã nhớ nhau, nhắc về nhau đầy yêu thương”, tác giả viết.