Từng tốt nghiệp ở ngôi trường đại học hàng đầu, sau đó vào làm cho một công ty nước ngoài, nhưng chị Hòa thừa nhận, có thời điểm, chị cảm thấy rất khổ sở khi không thể truyền đạt ý kiến với cấp trên do vốn tiếng Anh ít ỏi.
Phan Thị Bích Phượng (sn 1999) là cựu sinh viên Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội. Từng hối hận vì học tiếng Anh kiểu “bập bõm” trong suốt quãng thời gian phổ thông, Phượng chật vật khi phải bắt đầu lại và lấp đầy lỗ hổng.
Quyết tâm chinh phục lại tiếng Anh bằng mọi giá, Phượng đã dành nhiều tháng ròng chỉ để “đắm chìm” trong thứ ngôn ngữ này.
Sự quyết tâm, kiên trì, bền bỉ đã giúp Phượng đạt điểm tối đa 990 TOIEC, 7.5 IELTS chỉ trong lần thi đầu tiên, hoàn toàn nhờ việc tự học.
Phượng cũng chỉ ra những sai lầm kinh điển khi học tiếng Anh của những người 'mất gốc'.
“Tắm” tiếng Anh để “lên trình” nghe
Khi bắt đầu lại, Phượng thường xuyên áp dụng phương pháp “tắm” tiếng Anh mọi lúc mọi nơi, như khi đi bộ, đi xe bus, nấu ăn,... Tuy nhiên, sau 2 năm, Phượng nhận ra khả năng nghe của mình vẫn không như kỳ vọng.
“Mình gần như không nghe được gì nếu không đọc phụ đề. Thậm chí, có những từ na ná giống nhau như “affect” và “effect” cũng không phân biệt được.
Các diễn giả thường nói rất nhanh, nhiều khi nuốt từ. Khi trình độ chưa cao, mình nghe không hiểu, cũng không biết từ đó là gì, tại sao lại dùng trong ngữ cảnh ấy. Cho nên, dù dành rất nhiều thời gian để nghe thụ động, tất cả vẫn như 'nước đổ lá khoai' vậy”, Phượng nói.
Rút kinh nghiệm, khoảng thời gian sau đó, Phượng luôn nghe có phụ đề. Gặp những từ/cấu trúc nào hay và mới, cô ngay lập tức tra cứu, ghi lại ý nghĩa, cách dùng, ví dụ,… vào sổ.
“Tất nhiên, cách làm này cũng tốn khá nhiều thời gian. Có những video dài 15 phút, mình phải nghe trong hơn 1 tiếng. Với mỗi câu, mình nghe lại nhiều lần, dừng lại để phân tích xem có từ hoặc ngữ pháp nào mới không; tại sao lại dùng trong tình huống này; có thể thay thế bằng từ nào khác không,…
Kiên trì áp dụng theo cách này khoảng hơn 3 tháng, mình cảm thấy bản thân tiến bộ vượt bậc cả về trình độ nghe lẫn học thêm được nhiều từ, cấu trúc mới”.
Cố học thuộc từ vựng
Cố học thuộc từ vựng cũng là một trong những điều “vô vọng” nhất Phượng từng làm. Mặc dù bỏ ra rất nhiều công sức nhưng hiệu quả thu về không được như mong đợi, thậm chí Phượng còn cảm thấy chán ghét khi phải học thuộc lượng từ vựng lớn.
Cố ép bản thân phải nhớ, nhưng chỉ một thời gian ngắn không sử dụng, Phượng lại lập tức quên ngay hoặc lúng túng không biết sử dụng ra sao trong tình huống thực tế.
Sau đó, Phượng rút kinh nghiệm không chạy theo số lượng từ. Với mỗi từ mới, cô thường nghe cách phát âm, xem các dạng của từ (danh từ, động từ, tính từ,…), cách thức sử dụng, các từ đồng nghĩa – trái nghĩa,…
“Mình luôn cố gắng sử dụng những từ đã học khi mình viết nhật ký, làm bài tập hay khi luyện nói để rèn cho não ghi nhớ. Bằng cách này, mình có thể hiểu một từ khá sâu và luôn biết cách sử dụng ra sao trong thực tế”.
Học từng kỹ năng riêng lẻ
Phượng cho rằng, muốn sử dụng thành thạo tiếng Anh cần phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các kỹ năng thay vì rèn luyện từng kỹ năng riêng lẻ.
“Chăm chỉ học ngữ pháp, từ vựng,… nhưng nếu không áp dụng và có “đầu ra”, chúng cũng sẽ “chết” dần và khiến mình quên ngay sau đó.
Cho nên, khi đã biết được những từ, cụm từ và cách triển khai câu, cần áp dụng ngay khi nói. Tuy nhiên, cần phải nói trong tâm thế luôn tìm kiếm những từ, cách diễn đạt nâng cao hơn nhằm tăng khả năng nói. Tương tự với việc luyện viết, cũng luôn cần phải tìm cách diễn đạt mới, bằng những từ vựng mới”.
Phượng cho biết, cô hiếm khi viết ra từ/cách diễn đạt đầu tiên nảy ra trong đầu vì đó thường là những từ khá đơn giản, quen thuộc. Thay vào đó, cô thường dừng lại để tìm kiếm những từ đồng nghĩa với từ mình định viết, xem xét từ nào phù hợp trong ngữ cảnh đang viết. Nhờ vậy, bài viết của Phượng cũng trở nên phong phú và hấp dẫn hơn.
Hừng hực khí thế rồi đứt đoạn
Cũng giống như những người mới bắt đầu khác, Phượng từng tải rất nhiều tài liệu trên mạng về để học, nhưng sau đó bị “ngợp, loạn, sợ” do không biết nên bắt đầu từ đâu, thậm chí gây nản chí.
Tâm lý hừng hực trong 1-2 tháng đầu, sau đó bỏ dở, theo Phượng, là tình trạng khá phổ biến của những người mất gốc mong muốn học lại tiếng Anh.
“Lúc này, các kiến thức mình bỏ công sức, thời gian, tiền bạc ra để học sẽ bị trôi đi khá nhiều, và sau đó mình lại mất công học lại.
Một vòng lặp như thế, 1-2 năm, thậm chí vài năm, bạn vẫn không thể đạt được mục tiêu học tiếng Anh đã đề ra dù đi học rất nhiều nơi.
Do đó, cần phải kiên trì, bền bỉ, mỗi ngày dành khoảng 2-3 tiếng để học và kéo dài liên tục cho đến khi đạt được mục tiêu. Ngoài ra, nên đặt mục tiêu ngắn hạn và quyết tâm thực hiện trước khi chuyển sang mục tiêu khác”.
“Ngôn ngữ vốn là kỹ năng, do đó cần phải luyện tập thường xuyên, liên tục mới có thể thành thạo. Né tránh tập luyện và trau dồi, khả năng tiếng Anh sẽ mai một”, Phượng nói.