Vào thời hoàng kim, tổ hợp nhà máy Samsung ở Huệ Châu, phía bắc đồng bằng sông Châu Giang, là khu vực sản xuất công nghiệp lớn nhất mà tập đoàn Hàn Quốc từng xây dựng. Nơi này cung cấp 1/5 tổng số điện thoại bán tại Trung Quốc năm 2011.
Tuy nhiên, sau 27 năm, tổ hợp nhà máy đã tạm ngưng hoạt động một thời gian dài. Thông báo dán tại cổng cho biết việc tuyển dụng nhân công bị dừng từ ngày 28/2.
Nhà máy cuối cùng của Samsung
“Thật ra, từ sau Tết Nguyên đán, dân địa phương đã nghe thấy tin đồn Samsung chấm dứt sản xuất trong những tháng tới”, Zhong Ming, cư dân thành phố Huệ Châu, cho hay. Ông đã chứng kiến sự lớn mạnh của nhà máy trong suốt 3 thập kỷ.
Sau khi đóng cửa cơ sở Thiên Tân hồi tháng 12 và ngưng sản xuất thiết bị mạng ở Thâm Quyến, nhà máy Huệ Châu là “cứ điểm” cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc.
Nhà máy của Samsung ở Huệ Châu. Ảnh: SCMP. |
Kỹ sư Steve Huang cho biết: “Đèn đường ở đây từng được trang trí với quảng cáo Samsung. Những giờ mọi thứ đều đã biến mất”. Huang làm việc ở nhà máy được 17 năm và rất lo lắng về tình hình hiện tại. Số lượng nhân viên đã giảm xuống còn khoảng 4.000 người so với con số 9.000 năm 2013 - thời điểm Samsung xếp thứ nhất tại Trung Quốc với 20% thị phần điện thoại thông minh.
Vào năm ngoái, thị phần của hãng giảm chỉ còn 1%, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nội địa như Huawei, Xiaomi và Oppo.
Nhà máy Huệ Châu đi vào hoạt động ngày 24/8/1992, khi gã khổng lồ điện tử ký hợp đồng liên doanh với chính quyền thành phố. Vài ngày sau đó, Hàn - Trung chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
"Công xưởng thế giới" mất dần vị thế?
Năm 2011, khi Samsung đứng đầu thế giới về doanh số điện thoại thông minh, các nhà máy ở Thiên Tân và Huệ Châu sản xuất lần lượt 55.84 triệu và 70.14 triệu thiết bị di động.
Trước nguy cơ đóng cửa nhà máy, người dân địa phương đã truyền tai nhau thông tin Samsung bồi thường từ 1.400 USD - 14.400 USD cho nhân viên, tùy thuộc vào năm làm việc.
Thông báo ngưng tuyển dụng dán bên ngoài nhà máy. Ảnh: SCMP. |
“Giá thuê phòng ở đây giảm từ 500 xuống chỉ còn 200 - 300 Nhân dân tệ. Nhưng vẫn còn đang bỏ trống”, người dân cho biết. Samsung từ chối bình luận về sự việc, dù động thái cắt giảm sản xuất của công ty tại Huệ Châu đã được nhiều tờ báo Trung Quốc, thậm chí Hàn Quốc, đưa tin.
Trong quý I/2019, lượng xuất khẩu điện thoại Samsung từ Huệ Châu đã giảm 20.1% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.
Việc Samsung rời bỏ quốc gia đông dân nhất thế giới càng làm dấy lên mối lo ngại về tương lai kinh tế và vai trò của Trung Quốc trên chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt trong thời điểm chiến tranh thương mại bùng nổ.
Thực tế, Samsung vẫn đang mở rộng sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ. Riêng Việt Nam, Samsung có đến 4 nhà máy, đóng góp tổng doanh thu khoảng 67,15 tỷ USD và lợi nhuận khoảng 4,7 tỷ USD trong năm 2018.
Sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, Ấn Độ và châu Phi đã diễn ra suốt một thập kỷ vừa qua, chủ yếu do chi phí lao động và thuế tăng. Quá trình này càng diễn ra nhanh từ khi Mỹ áp mức thuế cao lên sản phẩm Trung Quốc vào năm ngoái.
Foxconn, đơn vị gia công iPhone và iPad, tuần này nói rằng họ có đủ năng lực để đáp ứng việc sản xuất thiết bị Apple bên ngoài Trung Quốc. Một số công ty Mỹ như Oracle và Cisco cũng có kế hoạch cắt giảm sản xuất tại Trung Quốc.
Samsung rời bỏ Trung Quốc, nhưng mở rộng sản xuất ở các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ. Ảnh: VEN. |
“Samsung hiện là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Nếu công ty thu hẹp hoặc rời bỏ Trung Quốc, ít nhất 100 nhà máy của các đơn vị cung ứng ở Quảng Đông cũng sẽ đóng cửa”, Chủ tịch Viện Quan sát Đương đại Liu Kaiming nhận định.
“Không có nhà máy Samsung Huệ Châu, họ sẽ khó lòng tồn tại”. Bằng chứng là Berni Optical, một công ty sản xuất kính nền cho Apple và Samsung, đã buộc phải sa thải 8.000 công nhân từ tháng 11 do đơn hàng giảm.
Janus, nhà sản xuất linh kiện có trụ sở tại Đông Quản, cũng báo cáo doanh số giảm 14.25% so với doanh thu năm ngoái, dẫn đến khoản lỗ 2.86 tỷ Nhân dân tệ (413 triệu USD). Công ty cho biết Samsung đã ngừng đặt hàng từ quý IV/2018.
Trung Quốc đã làm gì?
Đáp lại động thái rời bỏ này, chính quyền Trung Quốc cố gắng giải quyết các khiếu nại từ nhà sản xuất nước ngoài bằng cách hứa hẹn họ sẽ được hoan nghênh và bảo vệ.
Bắc Kinh đã gấp rút thông qua Luật Đầu tư Nước ngoài trong năm nay để bảo vệ pháp lý cho các bằng sở hữu trí tuệ, cũng như cấm việc chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn ổn định trong 5 tháng đầu năm, với mức tăng 3.7% lên 55 tỷ USD.
Trước sự thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, Wang Jisi, chuyên gia quan hệ Trung - Mỹ, nhận định Trung Quốc cần tránh rơi vào cái bẫy tách biệt khỏi Mỹ và phần còn lại của thế giới.
Chiến tranh thương mại khiến Trung Quốc muốn tách biệt hoàn toàn khỏi phần còn lại của thế giới. Ảnh: NYT. |
“Một số người muốn thấy sự độc lập thương mại của Trung Quốc, nhưng quốc gia này nên duy trì mối quan hệ với các nước khác trong lĩnh vực công nghệ”, Wang nói.
Đầu tháng này, Bộ Công nghiệp Công nghệ Trung Quốc thông qua giấy phép cung cấp dịch vụ 5G cho một số nhà mạng nội địa - thể hiện sự vượt trội của cơ sở hạ tầng viễn thông nước này.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu James Yan lại khẳng định nỗ lực này chỉ khả thi về mặt lý thuyết. Sự phát triển công nghệ - viễn thông Trung Quốc vẫn phải tương thích với thế giới.