Tuần trước, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã đến sân bay bí mật gần biên giới Ukraine để trực tiếp chứng kiến các nỗ lực quốc tế trợ giúp chính quyền Kiev.
Binh sĩ Mỹ bên lô hàng vũ khí đóng gói, chuẩn bị chuyển giao cho Ukraine ở căn cứ không quân Dover, bang Delaware, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ chia sẻ với CNN rằng, tại sân bay, ông Milley đã gặp gỡ các binh sĩ và nhân viên cũng như kiểm tra hoạt động vận chuyển. Cơ sở này đã trở thành trung tâm giao nhận vũ khí trong những ngày gần đây, từ một vài chuyến lên tới 17 chuyến mỗi ngày, đạt công suất tối đa.
Các lô thiết bị quân sự Mỹ viện trợ cho Ukraine chuẩn bị được máy bay vận tải chuyên chở đến Đông Âu. Ảnh: AP |
Vị trí của sân bay được giữ kín nhằm bảo vệ các chuyến hàng vũ khí, kể cả tên lửa chống tăng. Quan chức Mỹ nói, quân đội Nga chưa nhắm tấn công các lô hàng khi chúng vào lãnh thổ Ukraine, dù vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng đó khi Moscow đẩy mạnh chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.
Theo một quan chức cấp cao khác của Mỹ, cho đến nay, nước này và các quốc gia thành viên khác thuộc NATO đã chuyển giao cho Ukraine 17.000 tên lửa chống tăng và 2.000 tên lửa phòng không. Kể từ khi Nga bắt đầu tiến đánh Ukraine vào ngày 24/2, trên bầu trời châu Âu luôn xuất hiện các máy bay vận tải quân sự của Washington và các đồng minh, đặc biệt là mẫu C-17, xương sống của lực lượng không vận Mỹ. Số lượng các chuyến bay đang ngày càng tăng thêm.
Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) đang giữ vai trò trung tâm của chiến dịch vận chuyển quy mô lớn nói trên, sử dụng mạng lưới liên lạc với các đồng minh và đối tác để phối hợp giao nhận vũ khí cho Kiev. EUCOM cũng đang phối hợp với các quốc gia khác, bao gồm cả Anh, về quy trình giao hàng "để đảm bảo tối ưu hóa các nguồn lực hỗ trợ Ukraine một cách có tổ chức".
Kể từ khi Nga mở màn chiến dịch quân sự hồi cuối tháng trước, 14 quốc gia đã gửi trang thiết bị hỗ trợ an ninh cho Ukraine, trong đó một số nước hiếm khi có hành động như vậy trước đây.
Theo quan chức Mỹ, gần 240 triệu USD trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 350 triệu USD của Washington đã được chuyển giao cho Ukraine, chỉ một tuần sau khi Nhà Trắng chính thức thông qua. Phần còn lại dự kiến sẽ tới Ukraine chậm nhất trong vài ngày hoặc vài tuần tới.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết cung cấp các khoản viện trợ quân sự trị giá tổng cộng 450 triệu Euro (hơn 500 triệu USD) cho Kiev.
Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ tại một cuộc tập trận ở vùng Donbass, miền đông đất nước. Ảnh: AP |
Các nguồn thạo tin cho hay, các lô hàng quân sự của phương Tây gửi tới Ukraine chủ yếu bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, hệ thống phòng không di động Stinger, máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, pháo, xe thiết giáp, đạn dược, thiết bị bảo vệ và nhiên liệu. Ngoài khí tài, Kiev cũng nhận được hàng trăm triệu USD tiền mặt.
Tuấn Anh
>>> Cập nhật tình hình Ukraine hôm nay
Mỹ 'bật đèn xanh' cho các nước NATO đưa chiến cơ đến Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đã 'bật đèn xanh' để các nước thành viên NATO cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine.