- Việc các sản phẩm kém chất lượng, đội lốt nghệ thuật đương đại là có. Tuy nhiên không dễ để phân định rạch ròi.

Phản ứng của khán giả trước một triển lãm có quy mô lớn về nghệ thuật đương đại tại Hà Nội vào cuối năm 2012 rất đáng để suy ngẫm.

"Đã bay kém còn bay nhờ chân trời kẻ khác"?

Trước sự cố năm 2013 của nghệ sĩ Đào Anh Khánh, một triển lãm lớn về nghệ thuật đương đại "Những chân trời có người bay" (12/2012 tại Hà Nội) cũng gặp nhiều ý kiến phản biện của khán giả về chất lượng và ý nghĩa của các "Studio mở". Dù mỗi studio đều có các tuyên ngôn nghệ thuật để giải thích ý đồ, nhưng dường như chúng không thuyết phục được một số người.

Khán giả Hoàng Nguyên Vũ viết: "Tôi cố gắng nhìn ra “cái đẹp nằm sau cái nhìn thấy”, trải nghiệm cái ý niệm của tác giả thông qua tác phẩm Bếp gia đình. Nhưng vô vọng.

Studio "Bếp gia đình"

Tôi đang đứng trong một gian bếp bình thường, được bê từ đâu đó về đây, với những lời giới thiệu kêu choang choang. Chỉ là một cái bếp trần xì, với lời dẫn ngô nghê: “… Tôi đi chợ chọn những thực phẩm yêu thích và thể hiện món ăn như một tác phẩm nghệ thuật. Ẩm thực cung cấp năng lượng cho đời sống tinh thần của người bạn yêu mến.”

Tôi phải thấy, phải trải nghiệm cái gì ở đây, khi mà bếp của Hồng Ngọc chẳng khác gì cái bếp của vợ tôi? Và các món của Hồng Ngọc cũng chỉ là món cô nấu hàng ngày, vào đến Trung tâm Văn hóa thì đặt thành những cái tên mơ mộng?

Có lẽ nhà thơ Trần Dần có sống lại cũng lại phải khóc thêm, vì ngoài việc “những chân trời không có người bay”, mà đến những kẻ định bay cũng vay mượn chân trời của người khác! Không lẽ những người làm dự án này nghĩ người xem bây giờ lại ngây thơ đến nỗi chỉ dựa vào những dòng thuyết minh kêu choang choang thì tin đó là nghệ thuật sắp đặt?"



Một khán giả khác - Vũ Bắc Hà - chia sẻ: "Tôi đã đến xem triển lãm này. Không gian rất đẹp. Nhưng nội dung triển lãm không có gì hết. Bảo đây là nghệ thuật thì là gượng ép. Làm nghệ thuật mà thế này thì chết. Ai cũng làm được. Không thể chỉ vì có các tuyên ngôn cầu kỳ mà thành nghệ thuật được. Nhà bếp của Hồng Ngọc chẳng có gì hay, concept cũng nhàm chán, hình thức nghệ thuật càng không có".

Không gian triển lãm với sự cải tạo của KTS Nhật

Tranh cãi muôn thuở


Anh Nguyễn Đình Thành, người nhiều năm làm việc trong lĩnh vực văn hóa đương đại quan niệm: "Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của ngày hôm nay, do những nghệ sĩ sống trong thời đại này sáng tạo, nói đến những vấn đề của ngày hôm nay". Anh cho rằng yếu tố thông điệp mạnh hơn thủ pháp, người nghệ sĩ hoàn toàn có thể dùng các thủ pháp cũ để nói lên những vấn đề có tính thời đại.

Như vậy, vai trò của một ý đồ, tư tưởng mới là vô cùng lớn. Từ khi khái niệm nghệ thuật đương đại được du nhập vào Việt Nam (sau hiện đại) vào khoảng cuối những năm 1990 đã có không ít tranh cãi về khái niệm này xuất phát từ sự "khó hiểu" của thông điệp, các cách thức khác thường, thậm chí gây sốc của nghệ sĩ... Chưa có một tiêu chuẩn nào được đặt ra cho việc thẩm định hay thưởng thức. Sản phẩm không đặt nặng yếu tố "mỹ". Ba chân kiềng: Chân, Thiện, Mỹ... có thể bị phá vỡ, thay vào đó là sự mới lạ, khác thường, thử nghiệm, ý niệm, thông điệp....


"The Virgins of Apeldoorn" (Những trinh nữ của Apeldoorn) - một tác phẩm nghệ thuật đương đại của nghệ sĩ Elisabet Stienstra (Hà Lan)

Không có thước đo tiêu chuẩn, nên các giá trị đôi khi bị lẫn lộn và xuất hiện các tác phẩm nghệ thuật đương đại nông cạn, hời hợt hoặc gây sốc bằng hình thức. Việc các sản phẩm kém chất lượng, đội lốt nghệ thuật đương đại là có. Tuy nhiên không dễ để phân định rạch ròi. Người nghệ sĩ phải rất có ý thức sáng tác và có sự trình bày ý tưởng rõ ràng. Tuy nhiên nghệ sĩ không phải ai cũng viết được, nên họ cần các giám tuyển (curator) - giúp đỡ.

Tác phẩm tại hội chợ nghệ thuật Paris - một hình người khổng lồ được dựng bằng những nốt nhạc. Nghệ sĩ Jaume Plensa.

Muốn "bay", phải có đủ điều kiện

Điều kiện ấy không chỉ là vật chất, môi trường xã hội, mà còn là chính con người Việt (người sáng tạo, người thưởng thức và người giám định). Trần Lương - một giám tuyển quen thuộc tại Hà Nội phát biểu trong buổi trò chuyện nghệ sĩ tại "Những chân trời có người bay":

"Thời của tôi rất khác với thế hệ trẻ bây giờ. Nói đơn giản, chuyện ra nước ngoài thôi đã phải cần đến 2 visa: 1 cho phép xuất cảnh, 1 cho phép nhập cảnh. Hiện nay, việc trao đổi thông tin, đi lại thật dễ dàng đã khiến những nghệ sĩ trẻ có cơ hội lớn được tiếp cận với những tư tưởng, cách thức mới".

Nhưng trong hiện tại, có lẽ điều kiện thuận lợi về vật chất tại Việt Nam chưa làm sản sinh ra những nghệ sĩ lớn mang tầm thế giới. Tại "Những chân trời có người bay", giám tuyển Susanna Husse (Đức) mang đến kinh nghiệm của cô về những triển lãm đương đại từng tham dự: Các nghệ sĩ Đức nghệ thuật hóa những tấm biểu ngữ biểu tình trên đường phố, họ đeo biểu ngữ cả cho những con bò. Một dự án nghệ thuật khác rất thực tế, hữu ích là gắn những thiết bị tạo năng lượng vào máy tập gym để tạo ra năng lượng xanh khi người tập kéo, đẩy, nâng các dụng cụ....

Về phía Nhật Bản, ấn tượng từ việc cải tạo không gian của kiến trúc sư Nhật Bản Tsuneo Noda khiến người xem nhận ngay ra sự khác biệt. Hay thông điệp "Đừng từ bỏ" của Aisushi Kadowaki với thành phố quê hương anh sau trận động đất làm người ta cảm động, muốn thay đổi. 

Có lẽ những người làm nghệ thuật tại Việt Nam phải có một cuộc cách mạng về mặt tư duy, để ít nhất có nhiều hơn các tác phẩm không nằm trong 2 thái cực: 1. Cố tình tỏ ra khó hiểu và 2. Thuyết minh bóng bẩy nhưng sản phẩm thì dễ dãi và nông cạn.


Slideshow: 10 tác phẩm đẹp tại liên hoan nghệ thuật đương đại Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 7. Tác phẩm thứ 4 (“Chung sống trên thiên đường“) của Nguyễn Mạnh Hùng của Việt Nam (soi.vn)

Hồ Hương Giang