Cần tạo sự khác biệt giữa các thương hiệu, địa phương
Lên mạng tìm 5 kg chè loại ngon để đi biếu, anh Nguyễn Đình Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) dạo một vòng qua các sàn thương mại điện tử chuyên về nông sản vốn được quảng cáo nhiều như: Vỏ Sò, PostMart… để tìm kiếm các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tuy nhiên, khi đánh tên chè hạng A, hay cụ thể là chè Suối Giàng hoặc chè 1 tôm xuất khẩu, anh Đức bị “hoa mắt” trước ma trận sản phẩm.
Mang tâm sự này chia sẻ với đồng nghiệp, mọi người bảo anh “vậy là càng có nhiều lựa chọn chứ sao”? Nhưng anh Đức cho rằng, các tỉnh phía Bắc nơi nào cũng trồng chè, chè ngon cũng không ít nhưng để có những thương hiệu chè, vùng chè và cụ thể là những sản phẩm chè đủ “sức nặng” về thương hiệu hay giá trị để khách hàng có thể tin tưởng mua thì… không nhiều và không dễ.
Sau trăn trở của anh Đức, các đồng nghiệp của anh mới vỡ lẽ. Bởi đúng như anh Đức nói, nếu nhìn kĩ danh sách các sản phẩm OCOP của các địa phương được công nhận hàng năm, dấu ấn thương hiệu và tính địa phương trong các sản phẩm dường như bị khỏa lấp hoặc rất nhạt nhòa. Lí do thì nhiều nhưng tựu trung ở 3 vấn đề: ồ ạt, trùng lặp, một màu.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (Chương trình OCOP), tính đến tháng 10/2023, cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể (51 sản phẩm 5 sao). Tuy nhiên, tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP” do Bộ NN&PTNT tổ chức hồi tháng 9/2023, nhiều đại biểu đã chỉ ra những bất cập.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty Saigon Asset cho rằng, sản phẩm OCOP vốn là sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nhưng khi đã phát triển hơn 10.000 sản phẩm thì việc trùng lặp các sản phẩm đang diễn ra khá nhiều. “Khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, chúng ta đều thấy nhiều sản phẩm na ná giống nhau. Ví dụ, quả bưởi da xanh, xuất phát đầu tiên ở Bến Tre nhưng khi tới miền Trung cũng được nhận là đặc sản nơi đây”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu cụ thể.
Phải gắn được OCOP với du lịch, dịch vụ, thương mại điện tử
Đứng ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP sẽ tích cực tập trung xây dựng sản phẩm phù hợp tiềm năng và lợi thế của các địa phương. Huy động sự tham gia của các chủ thể kinh tế, các cấp, các ngành. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cho sản phẩm OCOP gắn với các chương trình hội chợ thường niên cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương; phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp…”.
Như vậy, ở một góc độ nào đó vô hình chung chương trình OCOP đang gánh trên vai nhiều “sứ mệnh” và để tìm ra sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng miền, địa phương và xây dựng nó trở thành thương hiệu quốc gia là việc không dễ dàng, nhất là với các sản phẩm thiên về nông nghiệp như OCOP. Theo đó, những băn khoăn của anh Đức (ở vị thế người tiêu dùng), ở ông Nguyễn Trọng Nghĩa với tư cách doanh nghiệp nâng tầm OCOP hẳn là có lí do khi nhìn vào thương hiệu cho từng loại sản phẩm. Ví dụ, chè, bưởi, rượu, cam… thì đâu sẽ là những cái tên được quảng bá trọng điểm. Đơn cử, nếu cam sành Hà Giang thì sẽ là cam xuất xứ gốc tại huyện Bắc Quang (Hà Giang) hay cam được trồng mới ở khu vực huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) – vì đây đều là sản phẩm OCOP của 2 khu vực này?
Quay lại các đề xuất tìm hướng đi cho OCOP, cũng tại Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP”, Giám đốc Công ty Saigon Asset cho rằng, cần thực hiện song song 4 nhiệm vụ: Một, cần có bước đánh giá cụ thể hơn, chọn lọc kỹ lưỡng hơn nữa để sản phẩm OCOP thật sự là đặc sản mang tính đặc thù, hương vị đặc trưng của văn hóa địa phương, tránh phát triển ồ ạt theo kiểu phong trào như hiện nay. Hai là, OCOP vốn mang tính thủ công nhiều hơn, nên cần cân nhắc sản phẩm nào sản xuất công nghiệp, sản phẩm nào phải giữ tính đặc thù thủ công của địa phương đó. Ví dụ như bánh pía Sóc Trăng.
Ba là, định hướng gắn các khu vực sản xuất, đơn vị sản xuất OCOP với các tour tuyến du lịch. Việc đầu tiên là phải có sự liên kết bền vững, công bằng, tránh hiện tượng “lợi dụng” hoặc thực hiện theo kiểu “ăn xổi”. Cuối cùng, nếu đã xác định được những khu vực sản xuất OCOP lại có thế mạnh về du lịch, cần có định hướng phát triển dài hạn, đầu tư bào bản, chính quyền cần phải “cầm cái”, doanh nghiệp và người dân địa phương cần có sự chung tay. Đặc biệt, sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa chất lượng thay vì bị thả nổi hoặc bị chi phí bởi các yếu tố như “hoa hồng” hay “phần trăm” dẫn đến mất niềm tin của khách hàng.
Cùng quan điểm với ông Nghĩa, nhiều đại biểu cũng cho rằng, thương mại điện tử, dịch vụ logistic hay các yếu tố liên quan giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP cần được liên kết vùng. Bên cạnh đó, việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại; tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP cần có sự phối hợp, đẩy mạnh mục tiêu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thay vì các tỉnh đang “dẫm chân” nhau hoặc rơi vào hiện tượng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay…