Vừa qua, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức thông báo đưa Việt Nam cùng hơn 20 quốc gia khác ra khỏi danh sách các nước được hưởng Quy chế quốc gia đang phát triển trong Luật Chống trợ cấp của Mỹ. Quyết định này sẽ khiến Việt Nam mất đi một số ưu đãi và quyền lợi về thương mại, phần nào gây ảnh hưởng quá trình phát triển kinh tế đất nước cũng như duy trì sự ổn định các hoạt động giao thương.

Về vấn đề này, Phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí TRẦN TUẤN ANH, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Công thương về những bước chuẩn bị của Việt Nam để sẵn sàng ứng phó không chỉ động thái nói trên từ phía Mỹ mà còn cả những biến đổi khó lường đang diễn ra trong hợp tác kinh tế - thương mại.

Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng cho biết, việc Mỹ mới đây không áp dụng Quy chế quốc gia đang phát triển với Việt Nam và một số nước khác có tác động như thế nào đến chúng ta?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong mấy năm vừa qua, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại trên bình diện toàn cầu đã có một số thay đổi cơ bản, có thể nói là thay đổi về chất. Trong cả một giai đoạn khá dài, các hoạt động hợp tác trong thương mại quốc tế chủ yếu dựa trên nền tảng các quan hệ mang tính truyền thống, thể hiện ở hai đặc điểm. Thứ nhất, thương mại chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hàng hóa, song hành với đó, các quy định trong khuôn khổ khu vực và quốc tế cũng xoay quanh thương mại hàng hóa.

Thứ hai, quan hệ kinh tế, thương mại cơ bản dựa trên nền tảng hợp tác và ít nhiều mang tính một chiều, trong đó các nước phát triển có một số linh hoạt (ưu đãi) nhất định tại một số lĩnh vực để các nước đang phát triển có điều kiện hội nhập nhanh và hiệu quả hơn với nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển một số ưu đãi, lớn nhất là “Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)”. Ở góc độ linh hoạt không được cao như GSP và có tác động hạn chế hơn chính là linh hoạt nhất định trong các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Trong thời gian gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước đã có sự thay đổi rõ rệt về chất. Trước hết là phạm vi thương mại quốc tế đã và đang dần được mở rộng sang các lĩnh vực khác, không chỉ giới hạn ở thương mại truyền thống như lĩnh vực hàng hóa. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế - thương mại được xây dựng trên quan hệ công bằng, bình đẳng, minh bạch và có đi, có lại, thay vì việc các nước phát triển đơn phương dành ưu đãi, linh hoạt cho các nước đang phát triển như trước đây. Các nước phát triển hiện nay đều đặt lợi ích của mình lên trên hết, thay vì có những ưu ái nhất định cho các nước đang phát triển như trước. Việc thay đổi chính sách vừa qua ở Mỹ chính là một trong các bước đi tiếp theo của xu hướng trên. Tuy nhiên, do chúng ta đã có sự chuẩn bị trước một cách khá chủ động, nên các thay đổi kể trên hầu như tác động không lớn đến Việt Nam. Thậm chí chúng ta đã đi trước nhiều nước đang phát triển khác khi dự báo được tình hình khu vực và thế giới; do vậy đang có dư địa khá thuận lợi trong cạnh tranh quốc tế, kể cả khi có các thay đổi về chính sách ở các thị trường phát triển. Các bước chuẩn bị đó chính là việc đàm phán và ký thiết lập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vốn được xây dựng trên quan hệ bình đẳng, cùng có lợi cho các bên, với phạm vi hợp tác toàn diện, sâu rộng và mang tính chiến lược cao hơn, tầm nhìn dài hạn hơn.

PV: Xin Bộ trưởng cho biết các bước chuẩn bị cụ thể của Việt Nam như thế nào trong bối cảnh quốc tế có những thay đổi cơ bản trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, chúng ta vẫn luôn coi nội lực của nền kinh tế là yếu tố quyết định đến sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, với quy mô nền kinh tế còn tương đối nhỏ của Việt Nam, chúng ta chưa thể chỉ dựa vào nội lực mà thật sự rất cần tận dụng một cách hiệu quả các cơ hội thương mại và đầu tư khu vực và quốc tế để phát triển đất nước. Có thể nói, chưa bao giờ, nền kinh tế Việt Nam lại có những cơ hội lớn như hiện nay để tăng trưởng và phát triển. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng vọt trong năm 2019 là minh chứng rõ ràng cho điều này. Chúng ta đã nắm bắt và tận dụng hiệu quả nội lực của nền kinh tế và các cơ hội quốc tế mang lại trong vài năm qua. Vì sớm nhận thức được các xu thế thay đổi trong thương mại quốc tế thời gian qua cho nên chúng ta đã có những bước chuẩn bị cụ thể từ vài năm trước. Về chủ trương lớn, Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5-11-2016 về “thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”. Đây là văn bản hết sức quan trọng, xác định rõ những biến động dự kiến sẽ diễn ra trong khu vực và trên thế giới cũng như thực lực của nền kinh tế trong nước, đề ra các định hướng lớn để tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong Nghị quyết 06, hai điểm hết sức quan trọng tác động đến kế hoạch hành động của chúng ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, gồm: hội nhập trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc và sẵn sàng hội nhập cả ở những lĩnh vực mới như: đầu tư, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động, môi trường,… Trên cơ sở đó, chúng ta đã sớm đẩy mạnh việc đàm phán và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm thiết lập các quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại phù hợp hơn với tình hình mới. Trong Năm APEC 2017, chúng ta đã cùng Nhật Bản và một số nước vận động, thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tiếp theo, hoàn thành Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, nếu được Quốc hội Việt Nam tiếp tục phê chuẩn, có thể đưa vào thực hiện ngay giữa năm nay. Với Mỹ, chúng ta cũng đã thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên ở cấp cao để giải tỏa các vấn đề phát sinh trong quan hệ song phương. Chúng ta được coi là chịu tác động ít hơn so các nước trong khu vực khi các nước lớn thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ hợp tác kinh tế thương mại quốc tế. Đơn cử như việc Mỹ rút lại chính sách GSP bỏ quy chế đang phát triển với nhiều nước trong khu vực và việc EU tới đây rút lại ưu đãi GSP với một số mặt hàng của một số nước đang phát triển thì tác động bất lợi tới Việt Nam cũng chỉ ở mức tối thiểu. Thậm chí một số nhà quan sát bên ngoài còn coi đây là cơ hội để nền kinh tế vươn lên do Việt Nam là nước đang phát triển duy nhất trong khu vực đã thành công trong việc xây dựng các FTA thế hệ mới với nhiều đối tác lớn trên thế giới một cách nhanh lẹ và quyết liệt.

PV: Chắc chắn việc chuyển sang là nước đi đầu trong việc xây dựng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng sẽ đi kèm các thách thức, vậy theo Bộ trưởng, chúng ta cần làm gì trong thời gian tới?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công thương, với vai trò chủ trì việc tham gia tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã cùng các bộ, ngành triển khai tích cực các định hướng được đưa ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW. Tuy nhiên, khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực thì chúng ta sẽ còn cần nỗ lực hơn nhiều so với thời gian vừa qua. Về pháp luật, để thực thi CPTPP cũng như EVFTA thời gian tới, Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc sửa đổi nhiều văn bản như Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm,... Dưới góc độ của Bộ Công thương, cũng đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh việc xây dựng các cơ chế thực thi mới phù hợp EVFTA, có thể triển khai ngay khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn. Quan trọng nhất không phải là chỉ đơn thuần thực hiện cam kết theo kiểu “trả bài” mà làm sao còn phải tạo ra các lợi ích kinh tế mới và xây dựng các thiết chế để bảo đảm lợi ích từ quá trình hội nhập kinh tế được chia sẻ một cách công bằng nhất cho mọi người dân, trong đó có người lao động và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

PV: Bộ trưởng có thể chia sẻ một số kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình công tác và tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có hai thời điểm khiến tôi nhớ nhất. Thứ nhất là liên quan Hiệp định CPTPP, khi chúng ta là Chủ tịch Năm APEC 2017 và phải cùng Nhật Bản chèo lái đưa Hiệp định vượt qua khó khăn khi Hội nghị các nhà lãnh đạo CPTPP bị đổ vỡ, không thể tổ chức tại Đà Nẵng. Lúc đó chúng tôi chạy đôn chạy đáo hỏi kinh nghiệm các nước đi trước xử lý tình huống này như thế nào nhưng các nước đều khẳng định việc này chưa hề có tiền lệ. Do vậy, chúng tôi cùng Bộ trưởng Nhật Bản bàn bạc, thống nhất phương án kể cả Hội nghị các nhà lãnh đạo không thể tổ chức thì bằng mọi giá vẫn phải duy trì Hiệp định CPTPP. Việt Nam đã cùng Nhật Bản thuyết phục các nước họp và sau đó ra tuyên bố kết thúc đàm phán ở cấp Bộ trưởng. Lúc đó ít ai nghĩ Hiệp định CPTPP có thể thành công nhưng bằng sự quyết tâm và kiên trì thuyết phục, cuối cùng Hiệp định CPTPP cũng đã được ký và đưa vào thực thi. Đây không chỉ là bước đi thể hiện dấu ấn Năm Chủ tịch APEC của Việt Nam mà còn đóng góp thiết thực vào thành tích phát triển của đất nước trong năm 2019 khi xuất siêu từ các thị trường mới trong CPTPP đóng góp gần 5 tỷ USD trên tổng số 11 tỷ USD xuất siêu của cả nước.

Thứ hai là thời điểm đi đến ký Hiệp định EVFTA. Sau nhiều nỗ lực của cả các cơ quan Quốc hội và các bộ, ngành, Hiệp định EVFTA gần như sẵn sàng. Nhưng chỉ khoảng hai tuần trước thời điểm quyết định đó, có ba nước thành viên EU nêu thêm một số quan ngại của mình, thậm chí cho biết, nếu không giải quyết được một cách triệt để thì không có chuyện thông qua việc ký EVFTA. Nếu như vậy, sẽ lỡ nhịp vì để đến nhiệm kỳ Chủ tịch sau mình lại phải bắt đầu lại thủ tục từ đầu, từ việc thuyết phục Chủ tịch mới của Hội đồng EU đưa ra chương trình làm việc mới đến việc thuyết phục lại các nước thành viên EU. Biết tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tôi cầm thư do Thủ tướng đích thân ký đi châu Âu giải quyết bằng được, không để các nước vì một số vấn đề khác biệt trong quan hệ kinh tế mà làm hỏng tiến trình hợp tác chung. Vấn đề khó là ba nước này, họ có bối cảnh chính trị hết sức phức tạp, một nước lại đang trong kỳ nghỉ, nếu phải chờ thêm thì muộn mất. Thế là phải đôn đáo, nhờ Bộ trưởng nước này nói hộ nước kia để thu xếp, sang gặp trực tiếp đưa thư của Thủ tướng và giải thích cho họ hiểu. Cuối cùng các nước cũng đồng ý để có ký nhưng Hội đồng châu Âu lại không kịp hoàn thành thủ tục trong vài ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu của Ru-ma-ni vào 30-6-2019. Rất may, Thủ tướng cho biết có thể bay từ Nhật Bản về trong ngày và ta phải dùng sức ép đó để đẩy nhanh hoàn thành các thủ tục. Rất mừng là cuối cùng chúng ta cũng lách qua được khe cửa hẹp, lễ ký đã diễn ra tốt đẹp vào ngày chủ nhật, 30-6-2019, đúng ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Ru-ma-ni.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Báo Nhân dân