Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quý I sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong tháng 3, sản xuất trong lĩnh vực này giảm 6,6%. Chỉ số tồn kho các sản phẩm thuộc nhóm hàng tăng 4,5%.
Giai đoạn đầu của quý I, ngành này đã phải chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Nhưng nguồn cung linh phụ kiện nhập khẩu cho ngành điện tử đã được phục hồi khi các doanh nghiệp cung ứng tại Trung Quốc, Hàn Quốc đã quay trở lại hoạt động dù còn nhiều khó khăn do việc gia tăng chi phí và tiến độ để phục vụ sản xuất.
Đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất vào thời điểm cuối tháng 3, đại diện Panasonic Việt Nam cho biết: "Chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình hiện tại chắc chắn có những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động sản xuất. Việc cung cấp một số nguyên liệu và linh kiện phục vụ sản xuất bị trì hoãn. Đồng thời, năng lực hậu cần nói chung của thị trường cũng bị suy giảm cùng với việc các hãng hàng không cắt giảm chuyến bay".
Vị này cũng chia sẻ, mặc dù cho tới nay, nhu cầu về các sản phẩn điện tử tiêu dùng tại Việt Nam chưa có suy giảm đáng kể. Thế nhưng, dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các ngành có xuất khẩu hàng hóa. Điều này làm giảm sức mua chung của toàn thị trường và từ đó có khả năng làm giảm nhu cầu các mặt hàng điện tử tiêu dùng trong tương lai.
Theo Bộ Công Thương, ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020 do dịch bệnh phức tạp có khả năng làm sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại Mỹ và châu Âu – các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19, Bộ Công Thương cho biết thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 17% và 24% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện; khoảng 17% và 14% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam. Hai thị trường nêu trên cũng chiếm khoảng hơn 50% giá trị xuất khẩu sản phẩm của Samsung Việt Nam.
Dự báo của một số hãng nghiên cứu thị trường trên thế giới cũng cho thấy doanh số smartphone toàn cầu năm 2020 có thể giảm 10% do tác động của dịch bệnh Covid-19 lan rộng sang Mỹ và châu Âu. “Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường cũng như ngành sản xuất điện tử tại Việt Nam”, Bộ Công Thương cảnh báo.
Trong khi doanh thu và sản lượng toàn cầu của Samsung dự báo giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến ngành điện tử nói chung. Samsung Việt Nam cũng dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 (so với 51,38 tỷ USD năm 2019).
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, khó khăn về thị trường xuất khẩu sẽ nghiêm trọng hơn so với việc thiếu hụt nguyên phụ liệu khi sản xuất các sản phẩm điện tử chủ yếu hướng đến xuất khẩu chứ không phải phục vụ thị trường nội địa.
Bộ này cũng dẫn đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam rằng: Các đơn hàng dài hạn, đơn hàng mới trong thời gian tới sẽ rất ít do nhu cầu mua sắm hàng điện tử sụt giảm bởi các biện pháp kiểm dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có sản xuất điện tử.
Dù nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc gặp khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất do cân đối lượng nguyên phụ liệu dự trữ từ trước Tết. Tuy nhiên, nếu đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh trong thời gian tới, doanh nghiệp không có dòng tiền để quay vòng vốn, trang trải chi phí, trả lãi ngân hàng, khấu hao nhà xưởng, trả lương công nhân... do đó sẽ không thể duy trì hoạt động.