Tuy nhiên, việc các hợp tác xã (HTX) nông sản áp dụng biện pháp này lại là cả một câu chuyện dài, nhằm tránh hiện tượng “được mùa rót giá”.
Giải pháp tình thế hay hướng đi mới?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau, quả cả nước đạt 3,23 tỷ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm 2022. Ngành rau, quả đang đặt kỳ vọng đạt kim ngạch hơn 5 tỷ USD trong năm 2023 khi nhiều mặt hàng trái cây đang khẳng định được thương hiệu và giá trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả ấy thì câu chuyện nông sản Việt nói chung, rau củ quả nói riêng vẫn bị rơi vào vòng luẩn quẩn cố hữu “được mùa rớt giá”, hoặc phát triển ồ ạt giống cây nào đó sau đó lại ồ ạt chặt phá. Nỗi buồn với các loại cây trồng từng diễn ra thảm cảnh trên không hiếm, từ cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, điều…) cho tới trái cây (thanh long, sầu riêng, vú sữa…). Vậy đâu là hướng đi bền vững cho vấn đề này?
Thực tế, vài năm gần đây một giải pháp được nhiều nông dân, HTX áp dụng chính là sản xuất lệch vụ nhằm tránh hiện tượng rớt giá của nông sản, trái cây. Cụ thể, cùng sản xuất một loại nông sản và thu hoạch cùng một thời điểm sẽ tạo áp lực đầu ra cho nông dân, HTX. Nhưng nếu tận dụng được những khoảng trống từ lệch vụ thu hoạch các HTX, người dân có thể nâng được giá trị cho nông sản. Giải quyết bài toán cung cầu này không khó về mặt kĩ thuật canh tác, nhưng lại khó về khâu chọn… điểm rơi thu hoạch.
Đơn cử, quả thanh long chính vụ của Việt Nam nhiều năm qua luôn rơi vào tình trạng cứ tới vụ thu hoạch (từ tháng 4 tới tháng 11 Dương lịch) là bị rớt giá. Có năm giá thanh long tại vườn chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg do trùng với vụ thu hoạch thanh long của Trung Quốc. Điều này khiến nông dân, HTX trồng thanh long ở Bình Thuận, Sơn La và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thua lỗ, thậm chí xảy ra tình trạng chặt thanh long để trồng những cây khác.
Dễ thấy, trước đây Trung Quốc chưa trồng được thanh long (loài trái có 3 giống: đỏ, trắng và vàng) thì nay diện tích thanh long của nước này đã tăng lên đáng kể. Trong khi Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ chính của loại trái cây này. Do vậy, nếu tránh được vụ thu hoạch của Trung Quốc, trái thanh long Việt Nam vẫn có thể vào thị trường tỉ dân này mà không bị rớt giá, nhất là những tháng giáp Tết âm lịch. Đây chính là lí do diện tích thanh long trái vụ đang được các địa phương triển khai nhằm “né” điểm rơi thu hoạch với nước bạn.
Thực tế, không chỉ thanh long mà nhiều mặt hàng rau củ quả của Việt Nam đang áp dụng chiến thuật này như: hành tím Sóc Trăng, ớt xanh Vĩnh Long, vú sữa Hoàng Kim, vải thiều Bắc Giang… Đơn cử, Bắc Giang – vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước có vụ thu hoạch chính từ giữa tháng 6 tới đầu tháng 7. Chỉ trong thời gian ngắn (trên dưới 20 ngày), Bắc Giang xuất ra thị trường hàng trăm ngàn tấn vải tươi (tùy năng suất mỗi năm) và thị trường chính là Trung Quốc. Do đó, chỉ cần sớm hoặc muộn hơn thời điểm chính vụ, quả vải của Việt Nam chắc chắn sẽ không bị rớt giá.
Không nên quá lạm dụng
Theo các chuyên gia nông nghiệp, các nước Đông Nam Á có những mặt hàng nông sản tương đối giống nhau và luôn là đối thủ của nhau. Ví dụ, về lúa gạo, hồ tiêu, điều, sầu riêng là cuộc đua găng giữa Việt Nam với Thái Lan. Về cà phê, cao su là cuộc đua của Việt Nam với Malaysia và Indonesia. Về trái cây là cuộc đua của Việt Nam, Thái Lan và người hàng xóm mới nổi Campuchia… Về thị trường tiêu thụ chính, Trung Quốc, Mỹ, EU là những đối tác chính.
Do đó, khi những nông sản được trồng ở Việt Nam và các nước khác có chung điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và cả thời điểm thu hoạch như trên, thì việc Việt Nam có thể chênh lệch mùa vụ thu hoạch 1-2 tháng, thậm chí nhiều hơn sẽ là cả một chiến lược. Bởi nếu Việt Nam tận dụng được "thời điểm vàng này thì sẽ "né” được sự cạnh tranh và giải quyết phần nào khó khăn cho đầu ra của nông sản. Ví dụ, với quả vải xuất sang Trung Quốc nên chọn từ tháng 2 cho đến tháng 7, quả xoài nên thu hoạch vào cuối năm. Mỗi loại trái cây nếu tính được chu kỳ thời vụ và tận dụng được thời điểm xuất khẩu sang Trung Quốc thì sẽ ít bị cạnh tranh hơn và được giá hơn.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam, dù tận dụng được khoảng trống mùa vụ khi sản xuất lệch vụ nhưng chiến thuật này chỉ nên áp dụng với các HTX có đủ công nghệ và kĩ thuật can thiệp. Ngoài ra, chất lượng nông sản xuất khẩu khi áp dụng chiến thuật này cũng phải được đảm bảo, được trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Có như vậy, các HTX nông sản Việt Nam mới giữ được giá trị thương hiệu, chất lượng sản phẩm và tính bền vững của mục tiêu nông nghiệp sản xuất xanh.