Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững Việt Nam năm 2004, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Và mới đây là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững đến năm 2030. 

Ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. 

Trong hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng xanh, hướng tới đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững mà Quyết định 889/QĐ-TTg nói riêng và Chương trình Nghị sự 2030 đã đề ra.

cong nhan fb.jpg
Việc chuyển đổi sang sản xuất và phân phối xanh nhằm gia tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp và hướng tới phát triển kinh tế bền vững. 

Ông Cù Huy Quang - Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết, sản xuất bền vững là con đường chiến lược để chúng ta hướng tới phát triển bền vững.

Vì vậy, việc nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp.

Hiện nay, ý thức của người dân về sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng được nâng cao. Các doanh nghiệp cũng đã bước đầu nhận thức về vấn đề sản xuất bền vững, phân phối xanh.

Việc các doanh nghiệp nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững, phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những khu vực có tiêu chuẩn cao. Từ đó, giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tiếp cận được thị trường trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và chúng ta đã ký được rất nhiều hiệp định thương mại song phương cũng như đa phương với các quốc gia, các khu vực tiên tiến trên thế giới.

Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả và thực hiện bằng được những mục tiêu mà Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 đã đề ra, trong hơn 2 năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hành động thiết thực.

Trong sản xuất bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng được những phương pháp tính định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; xây dựng được những mô hình thu gom, tái chế, những mô hình về tái sản xuất, tái sử dụng đối với những mặt hàng, những nguyên vật liệu trong một số lĩnh vực, một số ngành...

Trong thiết kế bền vững, Bộ Công Thương đã biên soạn, phát hành những sổ tay cũng như có những hướng dẫn về thiết kế bền vững cho sản phẩm.

Trong lĩnh vực tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đẩy mạnh những vấn đề như tái chế, tái sử dụng cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Đơn cử là việc sử dụng túi nilon sử dụng một lần bằng những vật liệu có thể tái chế được như túi cói hay những vật liệu khác áp dụng trong những hệ thống siêu thị, hệ thống chợ đầu mối nhằm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng.

Cùng với đó, chú trọng công tác truyền thông bằng nhiều hình thức, truyền tải và nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng thông minh hơn những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nguyễn Hồng Hạnh, Hồ Thị Nhụy, Nguyễn Thành Huế, Nguyễn Hoàng Hiệp, Nguyễn Duy Tuấn