Với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững” (Global Partnership for the Sustainable Digital Future), Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam - VIDW2022 sẽ diễn ra từ ngày 11-14/10/2022, bao gồm các hội nghị, diễn đàn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển mạng 5G, hợp tác bảo vệ dữ liệu, phòng chống tin giả, nâng cao kỹ năng số cho người dân.
Tham dự VIDW2022 có đại biểu là lãnh đạo, đại diện các bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành của các nước ASEAN và các nước đối thoại, tổ chức quốc tế, hiệp hội, doanh nghiệp số trên toàn cầu.
Trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 sẽ diễn ra Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Hàn Quốc với chủ đề "Chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp và sản xuất thông minh". Tham dự diễn đàn có đại diện các bộ ngành của Việt Nam và Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội và các doanh nghiệp ICT Việt Nam - Hàn Quốc.
Cũng tại Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 sẽ diễn ra Diễn đàn hợp tác số Việt Nam - Ấn Độ với chủ đề "Tăng cường kết nối hướng tới đối tác số" với sự góp mặt của đại diện các bộ ngành Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, các doanh nghiệp ICT Việt Nam - Ấn Độ, các viện nghiên cứu và trường đại học. Sự kiện Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 còn có các tọa đàm Why Viet Nam lần thứ 3 với chủ đề "Kinh tế số Việt Nam chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế"...
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng nhằm tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số. Việc thiết lập các quan hệ đối tác số song phương và đa phương sẽ là một trọng tâm trong 10 năm tới nhằm phát huy tối đa những nguồn lực quốc tế để xây dựng Việt Nam số.
Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 tập trung thúc đẩy và mở rộng quan hệ đối tác số với các ưu tiên: hoàn thiện thể chế và môi trường quản lý, phát triển công nghiệp công nghệ số, hạ tầng số; xây dựng không gian mạng an toàn và tin cậy; nâng cao kỹ năng số cho người dân. Đây cũng là dịp để các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam, khu vực ASEAN và các nước đối thoại trực tiếp kết nối, trao đổi thông tin, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến thương mại, đầu tư và phát triển thị trường.
Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra sau đúng 1 ngày sự kiện Ngày Chuyển đổi số Quốc gia. Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số Quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố thông điệp của Chính phủ về đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề cập tới việc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược.
Nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng đã công bố thông điệp của Chính phủ đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới. Trước hết là tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Phát triển đồng bộ cả về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực. Triển khai những giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.
Thông điệp nhấn mạnh, phải nâng cao tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến. Tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích và va chạm.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ. Chú trọng đào tạo kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số quốc gia.
Trong thông điệp của Thủ tướng đã nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
"Song song đó, cần tăng cường truyền thông về lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả" Thủ tướng nói.
Thái Khang