Tại sao bộ phim xúc phạm nhà tiên tri Muhammad, vốn châm ngòi cho các cuộc biểu tình toàn cầu, từ không ai biết đến sự tồn tại của nó trên YouTube lại trở thành trung tâm thịnh nộ của thế giới Hồi giáo?
Hối hận muộn màng
Phóng viên cho một tờ báo Ai Cập đã bày tỏ sự hối hận khi viết về bộ phim mà một người chống Hồi giáo ở Mỹ gửi cho anh ta cách đây chưa đầy 2 tuần.
Morris Sadek, một thành viên Giáo hội Thiên chúa cổ Ả rập sống ở Washington, người mà các hoạt động chống đạo Hồi dẫn tới việc anh ta bị hủy tư cách công dân Ai Cập trong năm nay, đã gửi một bài viết cho Gamel Girgis, phóng viên chuyên đưa tin về các tín đồ đạo Cơ đốc di cư cho báo al-Youm al-Sabaa (ngày thứ 7), một tờ báo ở Cairo.
Sadek có một bộ phim mà anh ta muốn Girgis xem và gửi cho nhà báo này một đường liên kết.
"Anh ta nói với tôi rằng đã sản xuất bộ phim trên vào năm ngoái và muốn nó được chiếu vào ngày 11/9 để tiết lộ cái gì đứng sau những hành động khủng bố vào ngày đó", Girgis kể.
Nhà báo này cho hay, đã xem bộ phim và thấy nó xúc phạm đạo Hồi. Anh ta không muốn viết bài về nó. Tuy nhiên, Sadek đã gọi lại và thuyết phục, nói rằng Girgis không thể chối bỏ sự hiện diện của bộ phim.
Hai ngày sau, vào ngày 6/9, Girgis công bố bài viết ba đoạn, gọi bộ phim là "gây sốc" và cảnh báo nó có thể đổ thêm dầu vào lửa xung đột phe phái giữa người Hồi giáo và người Ai Cập theo đạo Cơ đốc. Girgis kết luận, bộ phim chỉ là cuộc khủng hoảng thoáng qua chứ không ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa người Hồi giáo và thành viên trong giáo hội thiên chúa cổ Ả rập.
5 ngày sau, hàng nghìn người Ai Cập tấn công đại sứ quán Mỹ ở Cairo và đốt cháy cờ Mỹ trong khi khoảng 125 nam giới có vũ trang tràn vào lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya, giết hại đại sứ Mỹ và ba nhà ngoại giao khác.
Ba ngày tiếp theo, các cuộc biểu tình nổ ra ở 23 nước, gồm cả vụ cướp phá đại sứ quán Đức tại Sudan và đốt một trường học Mỹ ở Tunisia. Hôm 15/9, cảnh êm đềm diễn ra khắp vùng nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ sợ bạo lực chưa chấm dứt.
Tin xấu lan nhanh
Một diễn đàn Hồi giáo đã lấy lại bài của Girgis một ngày sau khi nó tới tay công chúng. Ngày 8/9, các báo khác bắt đầu lấy lại bài viết của Girgis. Tới thời điểm này, bài viết vẫn chưa được nhiều người chú ý, nó vẫn được coi là một mẩu tin địa phương về một người Ai Cập ở Mỹ đổ thêm dầu vào lửa khủng hoảng phe phái ở Ai Cập chứ không phải cách phần còn lại của thế giới đối xử thế nào với người Hồi giáo.
Tuy nhiên, tới 9/9, Khalid Abdullah, một nhà bình luận hàng đầu cho al-Nas, một đài truyền hình được nhiều người ưa chuộng, đã đăng tải bộ phim trên chương trình của mình. Đồng phát thanh viên al-Youm al-Sabaa giới thiệu về bộ phim và xin lỗi về những gì mình chia sẻ với khán giả. Người này nhấn mạnh, nhà thờ của Giáo hội Ai Cập đã lên án bộ phim và những người ủng hộ nó.
Điều này là vô cùng quan trọng, Abdullah nói, vì "một số người sẽ nói chúng ta kích động bạo lực chống lại thành viên Giáo hội thiên chúa cổ Ả rập để tạo ra khuynh hướng bè phái" khi phát sóng bộ phim.
"Sự ngu ngốc ở đây là gì? Abdullah đặt ra câu hỏi sau khi đài truyền hình phát sóng bộ phim và sau đó kết luận, người làm ra bộ phim muốn khích động Ả rập. Abdullah hỏi, liệu có ai xin lỗi vì đã làm ra phim này không.
Đồng phát thanh viên đáp lại "một lời xin lỗi là chưa đủ. Tôi muốn họ bị kết tội".
Xin lỗi là không đủ
Cùng ngày, các giáo sĩ Hồi giáo ở trường đại học Al Azhar - nguồn gốc tưởng Hồi giáo Sunni tại thế giới Ả rập, đã lên án bộ phim là "xúc phạm nhà tiên tri" và nhấn mạnh nó được thành viên Giáo hội thiên chúa cổ Ả rập ở nước ngoài sản xuất.
Các trang Facebook bắt đầu xuất hiện, kêu gọi biểu tình vào 11/9 ngày nước Mỹ bị tấn công khủng bố cách đây 11 năm. Các cuộc gọi dồn dập đổ về đại sứ quán Mỹ.
Ngay khi đại sứ quán Mỹ biết được các kế hoạch biểu tình và nội dung bộ phim, họ nhận thức được vấn đề sắp xảy ra. Các cuộc gọi điện được thực hiện và xin lỗi về bộ phim. Đại diện sứ quán nói, nó không đại diện cho cách nước Mỹ nghĩ về đạo Hồi. Một thông báo trên trang web của sứ quán đã lên án bộ phim. Tuy nhiên, đã quá muộn.
Girgis không bao giờ nghĩ, bài báo sẽ vượt quá biên giới Ai Cập. "Tôi hối hận về bài báo đó vì mọi việc diễn ra trong thế giới Hồi giáo nhưng tôi là nhà báo và nó là thông tin. Nếu tôi không viết và đăng bài viết, sẽ có người khác làm".
- Hoài Linh (Theo McClatchy, Sydney News)