- Dự kiến Báo cáo thường niên về biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam năm đầu tiên, năm 2015 sẽ ra mắt vào giữa năm 2016.
Báo cáo do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức thực hiện, giao cho Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) thành viên của Liên hiệp hội thực hiện chính.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH. Ảnh: Vietnamnews. |
Theo đó, với tiêu đề “Biến đổi khí hậu tại Việt Nam: Góc nhìn từ cộng đồng”, báo cáo về biến đổi khí hậu tại Việt Nam năm 2015 sẽ tập trung vào vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong nỗ lực ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trong thời gian qua.
Nội dung chính của báo cáo sẽ bao gồm 3 phần chính với 12 chuyên đề, cung cấp khái quát về tình hình BĐKH và ứng phó tại Việt Nam đồng thời phân tích những đóng góp của cộng đồng trong ứng phó BĐKH.
Báo cáo cũng sẽ đưa ra những gợi mở và tầm nhìn chính sách về sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó BĐKH tại Việt Nam.
Hiện tại ở Việt Nam đã có một số báo cáo về BĐKH song các báo cáo này đều có khuynh hướng bao quát những vấn đề lớn của môi trường khí hậu, phương pháp tiếp cận từ trên xuống và chưa có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng nên chưa phản ánh đầy đủ quan điểm của các bên liên quan đang trực tiếp tham gia vào nỗ lực ứng phó BĐKH tại Việt Nam, ông Ngô Công Chính, Chủ nhiệm đề án cho biết tại Hội thảo Khởi động đề án xây dựng báo cáo BĐKH thường niên tại Việt Nam.
“Đa phần các báo cáo hiện nay đều do các cơ quan chức năng của Chính phủ hoặc tổ chức quốc tế xây dựng chứ không phải do một tổ chức độc lập trong nước nghiên cứu và xuất bản. Do vậy, Báo cáo thường niên về biến đổi khí hậu tại Việt Nam do VUSTA thực hiện sẽ là một báo cáo khoa học độc lập, có uy tín và thương hiệu”, ông Chính nói.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2010, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động mạnh nhất của BĐKH. BĐKH với sự gia tăng về tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan làm cho hậu quả của thiên tai trở nên nghiêm trọng hơn và khó dự đoán hơn, gây nhiều tổn thất cho sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Do vậy, việc có một báo cáo khoa học độc lập về biến đổi khí hậu Việt Nam, cung cấp thông tin đa chiều và đa dạng về tình hình BĐKH Việt Nam có ý nghĩa quan trọng.
Theo dự kiến, chủ đề báo cáo từng năm sẽ được lựa chọn theo tình hình thực tế và phù hợp với chủ đề của Hội nghị các bên về BĐKH (COP) của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC), theo ông Ngô Công Chính.
“Các vấn đề được chọn là những vấn đề quan trọng của năm đó hoặc có vai trò quan trọng trong năm tới. Quan trọng hơn, các vấn đề được đặt trong một mục tiêu chung là tìm kiếm và xây dựng một triết lý phát triển dài hạn cho Việt Nam”, ông Chính cho hay.
Lê Văn